Giải mãi hàng chục ngàn chim én bay về Đồng Tháp

ThienNhien.Net – Gần đây có hàng chục ngàn con chim én về cư trú tại Cụm công nghiệp Mỹ Hiệp (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) khiến hàng trăm người dân hiếu kỳ kéo đến xem. Nhiều người cho rằng đây là một hiện tượng lạ chưa từng có, báo hiệu một vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, hiện tượng chim én bay về trong mùa đông ở nước ta là một chuyện hết sức bình thường.

GS.TS Võ Quý, Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội), một chuyên gia hàng đầu nghiên cứu các loài chim khẳng định, hiện tượng én bay về trong mùa đông ở nước ta là chuyện bình thường, năm nào cũng có, từ bắc chí nam.

Loài chim én sinh sống và làm tổ chính ở các nước phía bắc bán cầu. Ở nước ta loài chim én chỉ làm tổ ở Cao Bằng, Lạng Sơn. Mùa đông chúng di cư xuống phía nam bán cầu cho đến tận châu Úc. Đến mùa xuân, chúng lại bay về quê hương ở các nước phía bắc.

Người kéo đến xem đàn chim én (Ảnh: Chấn Phong)
Người kéo đến xem đàn chim én (Ảnh: Chấn Phong)

“Như vậy mỗi năm ở nước ta có hai lần chim én bay qua, có khi hàng đàn lớn với số lượng hàng chục ngàn con, tuỳ theo thời tiết. Chúng vưa bay vừa kiếm ăn, đến chiều dừng lại ở nơi có điều kiên thích hợp để ngủ qua đêm. Cũng có lúc vùng bay qua vùng có nhiều thức ăn là các loài côn trùng nhỏ như trên đồng lúa, bãi cỏ, chúng có thể tập trung ở lại một thời gian để kiếm, tích luỹ đủ năng lượng để bay tiếp về phía nam, nhất là trước lúc phải bay qua vùng biển khơi, khan hiếm thức ăn” GS Quý cho biết.

Theo TS Lê Mạnh Hùng, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện KH-CN Việt Nam) đây có thể là loài Nhạn bụng trắng (tên khoa học là Hirundo rustica Linnaeus, 1758). Nhạn bụng trắng là loài chim rất phổ biến tại Tây Bắc, Đông Bắc. Chúng thường sinh sản vào tháng 5-6 và tập trung với số lượng lớn gần khu dân cư.

“Thời điểm này là thời gian nhạn trú đông nên số lượng quần thể tăng vọt là điều bình thường. Nhạn bụng trắng di cư và trú đông vào đúng mùa xuân nên mỗi khi nhìn thấy loài này thì bà con biết đã đến mùa xuân, chứ chúng không phải là loài đặc trưng, chỉ thị cho mùa hay báo hiệu điềm lành, điềm dữ gì cả”, TS Hùng nói.

GS Võ Quý cũng cho rằng chưa có cơ sở chứng minh chim én xuất hiện là báo hiệu điềm lành, nhưng dân gian thường có câu “đất lành chim đậu”. Vì vậy, tất nhiên những chỗ nhiều chim phải là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của chim và điều đó cũng đồng nghĩa có cả những điều kiện thuận lợi cho cuộc sống con người.

Vì thế, ở đâu có nhiều chim, chúng ta nên tìm cách bảo vệ chúng, ít nhất chúng cũng có ích cho chúng ta là giảm bớt các côn trùng phá hoại mùa màng, đồng ruộng, đồng thời én cũng là biểu tượng báo hiệu mùa xuân về.