Bình Thuận: Điện gió… chờ vốn

ThienNhien.Net – Nguồn gió dồi dào, thuận lợi cho việc phát triển các dự án phong điện, Bình Thuận hiện đứng đầu cả nước về điện gió với 16 dự án. Tuy nhiên, ngành điện gió đang gặp phải những vướng mắc trở ngại.

Thừa tiềm năng phát triển

Các nhà khoa học khẳng định Bình Thuận hoàn toàn có đủ điều kiện để xây dựng các nhà máy điện gió. Tổng diện tích khu vực có tiềm năng gió là hơn 456.000 ha, chiếm khoảng 58,3% diện tích tự nhiên của tỉnh. Phan Thiết, Tuy Phong và Bắc Bình – ba nơi có tiềm năng gió, phân bố trên diện tích lớn. Nhận thấy tiềm năng ấy, nhiều nhà đầu tư đã xin đầu tư dự án điện gió ở Bình Thuận. Đầu tiên, Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam đã đầu tư một dự án điện gió có quy mô lớn tại huyện Tuy Phong. Tiếp đó, Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Điện lực Dầu khí Việt Nam cũng xin đầu tư một nhà máy điện gió tại huyện đảo Phú Quý…

Dự án Phong điện 1 Tuy Phong (giai đoạn 1) đã hoàn thành.
Dự án Phong điện 1 Tuy Phong (giai đoạn 1) đã hoàn thành.

Vào tháng 4/2012, Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam đã khánh thành Nhà máy Phong điện 1 (giai đoạn 1). Dự án giai đoạn này có vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Quy mô 20 trụ tua-bin, tổng công suất 30MW. Trạm biến áp 110kV cũng được xây dựng nhằm đưa nguồn điện từ Nhà máy Phong điện 1 đấu nối với lưới điện quốc gia theo thỏa thuận mua bán giữa Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Còn ở huyện đảo Phú Quý, dự án điện gió Phú Quý do Công ty Năng lượng tái tạo Điện lực Dầu khí đầu tư với tổng kinh phí hơn 335 tỷ đồng. Dự án có 3 tua-bin, tổng công suất 6MW. Tháng 8 vừa qua, trụ số 1 và trụ số 3 đã phát điện thương mại. Mới đây, trụ số 2 cũng đưa vào vận hành.

Khó khăn hiện tại

Nhìn chung, những bước đi đầu tiên của ngành điện gió Bình Thuận đang gặp phải những trở ngại. Dự án điện gió Thuận Nhiên Phong (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình) là một dẫn chứng. Dự án này do Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo châu Á đầu tư. Theo kế hoạch, chưa đầy 4 tháng nữa dự án này sẽ hoàn thành. Nhưng trên thực tế, vào những tháng cuối năm 2012, khi chúng tôi đến tìm hiểu, công trường không một bóng người… Đại diện công ty cho biết dự án tạm ngừng vì chưa xoay đủ nguồn vốn.

Theo Sở Công Thương, trong số 16 dự án đã được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận thì chỉ có 2 dự án kể trên đi vào hoạt động. Các dự án còn lại hầu như đều còn nằm trên giấy, chưa thể triển khai. Trong đó, thiếu vốn đầu tư được xem là nguyên nhân chủ yếu, bên cạnh những nguyên nhân khác.

Thiếu cơ chế phù hợp

Năm qua, lãi suất ngân hàng trong nước tăng cao. Mặt khác, kinh tế đang suy thoái, các ngân hàng trong nước không đủ khả năng cấp nguồn vốn hàng ngàn tỷ đồng cho các dự án điện gió. Nhìn vào hiệu quả chưa mấy khả quan của hai dự án đã hoàn tất, phần nào các nhà đầu tư cũng cân nhắc lại việc bỏ vốn vào lĩnh vực điện gió. Ông Phạm Cương – Tổng Giám đốc Công ty Năng lượng tái tạo Điện lực Dầu khí Việt Nam: “Ở nước ngoài có các nguồn quỹ bảo vệ môi trường, họ cho vay lãi suất rất thấp. Có một lần tôi qua bên Đan Mạch đã từng làm việc với quỹ bảo vệ môi trường thì họ bảo họ có những tổ chức cho vay lãi suất chỉ 1,5% /năm. Và có thể cho vay mấy trăm triệu đô. Nhưng cái nguồn ấy ở Việt Nam ta chưa phát huy được nhiều. Với lại, việc đánh giá môi trường ở nước ta là cực kỳ quan trọng. Các nhà đầu tư nước ngoài họ lại rất quan tâm đến vấn đề này”.

Mới đây, Bộ Công Thương đã phê duyệt “Quy hoạch điện gió địa bàn Bình Thuận giai đoạn 2011 – 2020 tầm nhìn đến năm 2030”. Mục tiêu đến năm 2020, dự kiến công suất lắp đặt khoảng 700 MW, với sản lượng điện gió tương ứng 1.500 triệu kWh. Đến năm 2030, dự kiến công suất lắp đặt khoảng 2.500MW, tương ứng sản lượng 5.475 triệu kWh. Trong lúc cả nước đang đứng trước tình trạng thiếu điện, thì điện gió được xác định là nguồn năng lượng mới góp phần giải quyết đáng kể nguồn điện năng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. So với điện hạt nhân, nhiệt điện và thủy điện; điện gió có lợi hơn về môi trường. Nhưng theo các chuyên gia, chính sách hiện hành của Chính phủ vẫn chưa đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực này.