Quảng Bình: Trồng rừng, thu hàng chục tỷ

ThienNhien.Net – Trồng rừng, chuyện chẳng có gì mới ở Quảng Bình và  các địa phương khác. Nhưng việc có người tự bỏ ra cả trăm triệu đồng đầu tư tuyến đường phục vụ việc trồng rừng và từ nghề này mỗi năm mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng, bằng nguồn thu ngân sách cả huyện năm 2012 thì chỉ có ở Tuyên Hóa. Cuối năm, chúng tôi lên Tuyên Hóa để được mục sở thị chuyện trồng rừng thu tiền tỷ ấy.

“Làm công nhân trồng rừng để con cái mình làm cán bộ”

Từ trụ sở UBND xã Thanh Thạch, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Nguyên dẫn chúng tôi đi vào một đường mòn, băng qua một con suối để gặp một người trồng rừng có tiếng ở xứ đạo Thanh Thạch: Nguyễn Hồng Thơ. Chợt nhớ ra, hơn hai năm trước chúng tôi đã từng gặp nhau trong một lần theo đoàn làm phim của Đài truyền hình tỉnh về khu rừng của gia đình anh. Bây giờ, những đổi thay của mô hình kinh tế này khiến tôi ngỡ ngàng.

Chỉ tay về phía những cánh rừng keo lai bạt ngàn đang xào xạc trong nắng ấm ban mai, anh tâm sự: Năm 2000, trở về từ quân ngũ với số vốn ít ỏi tự có của gia đình, anh mạnh dạn học hỏi cách thức mở trang trại tổng hợp, khai phá vườn tạp để trồng rừng, lập chuồng trại chăn nuôi. Hiện, trang trại của gia đình anh có 23 con lợn nái sinh sản, 60 con lợn thịt và đàn gia cầm trên 200 con. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Con số 7 ha rừng trồng, chủ yếu keo lai mới là tài sản quý giá nhất mà gia đình anh có.

Anh tâm sự: Năm 2005 tôi được nhận 2,5 ha đất trống đồi núi trọc để lập trang trại. Hầu hết diện tích ấy tôi chỉ trồng các loại cây ăn quả, số còn lại tôi trồng cây trầm dó. Nhưng nhọc công chăm bón, hiệu quả vẫn không cao. Năm 2010, tôi bàn với vợ mua hơn 4 ha đất đã được giao khoán của các hộ gia đình khác để phục vụ trồng rừng trong thời hạn 50 năm. Nhận thấy hiệu quả rất lớn của việc trồng rừng kinh tế, tôi chuyển đổi hầu hết diện tích đất rừng mình có được sang trồng cây keo lai. Tôi tính trong vòng 5 năm, khi rừng cho thu hoạch, với diện tích rừng mình có được, lãi chắc chắn sẽ là trên 500 triệu đồng. Đó là chưa kể số thu nhập từ hoạt động chăn nuôi gần 200 triệu/năm. “Khi đó, không thể nói thoát nghèo mà phải gọi là giàu ấy chứ, phải không nhà báo?” – Anh cười đầy tự tin.

Khai thác gỗ rừng trồng ở xã Hương Hoá.
Khai thác gỗ rừng trồng ở xã Hương Hóa

Ở xứ đạo Thanh Thạch, những người đầy bản lĩnh, tiên phong xoá đói giảm nghèo thông qua mô hình trồng rừng kinh tế không phải ít. Anh Võ Đức Thuận, ở thôn 1 là một điển hình. Năm 1992, anh lập gia đình với chị Hoàng Thị Nghĩa. Cuộc sống gia đình khó khăn nối tiếp khó khăn khi 4 đứa con lần lượt ra đời trong khi anh chẳng có việc làm. Cả gia đình 5 miệng ăn chỉ cậy nhờ vào 3 sào lúa nước.

Quyết không chịu nghèo đói, năm 2000, anh chị bàn nhau nhận đất trồng rừng kinh tế. Những ngày đầu gian khó trăm bề khi không vốn liếng, đường sá đi lại khó khăn. Thêm vào đó là những lời ra tiếng vào của người dân đồn đại rằng trồng rừng rồi sẽ không có ai mua. Song anh chị vẫn quyết tâm thực hiện ý định với một niềm tin mãnh liệt. Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà gỗ khang trang, thoáng mát, anh tự hào “khoe” những tài sản mình có được: Hơn 4ha rừng keo vào mùa thu hoạch sẽ mang lại nguồn thu 400 triệu đồng; một chiếc xe phục vụ hoạt động vận tải thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm.

Để “chuyên nghiệp hóa” trồng rừng và khai thác rừng trồng, anh chủ động mua máy cắt cỏ làm vệ sinh và đầu tư mở tuyến đường vận chuyển dài hơn 2 cây số từ đường cái vào tận nơi khai thác. Bây giờ, các hoạt động bán sản phẩm gỗ rừng trồng của anh chỉ diễn ra tại nhà máy đặt tận Khu công nghiệp Hòn La nhờ có xe của mình vận chuyển chứ không như ngày trước các thương lái đến tận nơi ước lượng và mua với giá rẻ nữa. Gia đình anh có 4 người con đều được học hành tử tế. Hai cô con gái đầu đang học THPT, cô con gái thứ 3 học THCS tại trường làng. Anh nói vui: “Mình chấp nhận làm công nhân trồng rừng để con cái mình làm cán bộ…”

Trồng rừng kinh tế đang trở thành một phong trào và phát triển rất rầm rộ trên địa bàn huyện. Không chỉ có người kinh, đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã nhận biết được hiệu quả từ việc trồng rừng. Hồ Viên ở bản Cà Xen, xã Thanh Hoá là một ví dụ. Tài sản mà gia đình Hồ Viên hiện có gồm hơn chục con trâu, gần trăm con gà thả vườn, 2 ao cá rộng chừng 1.000m2 (chủ yếu nuôi cá trắm, gáy, trê phi), 6ha rừng keo lai. Bình quân thu nhập hàng năm lên đến vài trăm triệu đồng.

Tiếp chuyện với chúng tôi cùng chén nước chè xanh đậm đặc, Hồ Viên khoe: “Năm trước, miềng bán hai con trâu và mấy tấn thóc, sắm được chiếc máy cày trị giá gần 30 triệu đồng. Riêng chiếc máy xay xát trị giá khoảng 5 triệu đồng là do vợ chồng miềng tích cóp được nhờ tiền bán cá, lúa. Phải đưa tiến bộ khoa học lên núi thì nó mới làm giàu cho miềng được cán bộ à!”… Chuyện Hồ Viên tiên phong ngăn khe, đắp suối dẫn nước về trồng lúa, đào ao thả cá và đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp thì nhiều người đã biết. Thế nhưng, việc một người dân tộc thiểu số tại tỉnh ta như Hồ Viên dám mạnh dạn đầu tư trồng rừng, phát triển kinh tế và làm giàu từ rừng là không nhiều và rất đáng được biểu dương.

Nguồn thu từ rừng trồng bằng… thu ngân sách

Rõ ràng, hiệu quả kinh tế mang lại từ hoạt động trồng rừng là không có gì phải bàn cãi. Việc làm này càng có ý nghĩa hơn khi thực tế diện tích rừng tự nhiên đang dần bị thu hẹp lại do tình trạng khai thác rừng trái phép của người dân vẫn còn diễn ra. Người dân Tuyên Hoá đang rất quan tâm thực hiện công tác trồng rừng để phát triển kinh tế, từ đó chung tay với địa phương thực hiện nhiệm vụ xoá đói, giảm nghèo. Số liệu thống kê toàn huyện hiện có 6.655 ha rừng trồng, chủ yếu là keo lai. Riêng trong năm 2012 này đã có thêm 580 ha rừng được trồng mới, giá trị thu được gần 30 tỷ đồng. Con số này tương đương với số thu ngân sách của huyện.

Đánh giá về hiệu quả của việc trồng rừng và tiềm năng phát triển rừng trồng trên địa bàn, anh Hoàng Minh Đề, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đặc thù của huyện Tuyên Hoá có phần lớn diện tích rừng và đất rừng, bởi vậy, chiến lược phát triển kinh tế của huyện là chú trọng trồng rừng và mở rộng diện tích rừng trồng nhằm tận dụng tối đa lợi thế sẵn có của địa phương. Điều đáng mừng là chủ trương này nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của người dân. Bằng chứng là những năm trở lại đây, diện tích rừng trồng không ngừng được tăng lên, hiệu quả thu được từ trồng rừng cũng rất rõ rệt. Trước hết là hiệu quả kinh tế, nhiều hộ dân từ xuất phát điểm nghèo đói nay được giao đất trồng rừng đã từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tiếp đến là hiệu quả về mặt xã hội, hoạt động trồng rừng đã góp phần không nhỏ trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là một bộ phận không nhỏ người dân sống vùng gần rừng, từ đó khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Và điều đặc biệt nữa, trồng rừng giúp làm cân bằng môi trường sinh thái. Yếu tố này có ý nghĩa rất lớn đối với một địa phương vốn phải chịu nhiều ảnh hưởng do thiên tai lũ lụt, hạn hán gây ra hàng năm như Tuyên Hoá.

Trên cơ sở những kết quả nổi bật mà địa phương thu được từ hoạt động trồng rừng thời gian qua, định hướng phát triển diện tích rừng trong những năm tiếp theo của huyện Tuyên Hoá sẽ là chú trọng trồng rừng sản xuất. Trên 500 ha rừng trồng đang được khai thác hàng năm đã mang lại nguồn thu không nhỏ đối với một địa phương còn nghèo như Tuyên Hoá. Tại thời điểm chúng tôi đang thực hiện bài viết này, huyện đang gấp rút tiến hành quy hoạch chi tiết rừng trồng với những phương án phát triển cụ thể nhằm tận dụng tối đa lợi thế sẵn có của địa phương. Và khi đó, số hộ dân được giao đất, giao rừng sẽ tăng lên, diện tích rừng trồng sẽ được mở rộng, hiệu quả kinh tế mang lại rõ ràng hơn. Điều đó đồng nghĩa với đích xoá đói, giảm nghèo của huyện cũng sẽ gần lại, những tác động tiêu cực của người dân đối với rừng giảm đi.

Với những quyết sách đúng đắn trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế hợp lý của huyện Tuyên Hoá và những kết quả nổi bật đạt được trong thời gian qua, chúng tôi tin tưởng rằng trong tương lai không xa nữa, Tuyên Hoá sẽ sớm thoát nghèo một phần không nhỏ nhờ trồng rừng và khai thác hiệu quả rừng trồng.