Hội thảo khoa học bảo vệ môi trường và môi trường biển vùng ĐBSCL

ThienNhien.Net – Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa phối hợp với tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội thảo khoa học bảo vệ môi trường và môi trường biển vùng ĐBSCL năm 2012, đồng thời bàn giải pháp đổi mới phương thức hoạt động của đảng đoàn Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật các tỉnh, thành phố.

Sau báo cáo đề dẫn tổng quan về môi trường và môi trường biển vùng ĐBSCL của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, 10 tham luận khoa học về vấn đề này của các tỉnh, thành phố trong khu vực trình bày tại hội thảo tập trung đánh giá, đề xuất những giải pháp, kinh nghiệm để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và môi trường biển, đồng thời đổi mới phương thức hoạt động của đảng đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, thành phố.

Một số tham luận điển hình có thể kể tới như: Bảo vệ môi trường và môi trường biển vùng ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu; tầm nhìn mới trong bảo vệ môi trường sinh thái biển, đảo; tổng quan về công cụ pháp lý và một số giải pháp ứng phó bảo vệ môi trường biển; bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội; một số khó khăn cần tháo gỡ trong hoạt động của đảng đoàn của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, thành phố…

Hầu hết các tham luận đều nêu lên thực trạng, nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và môi trường biển vùng ĐBSCL nói chung, cụ thể ở từng địa phương nói riêng. Cụ thể là do dân số trong vùng tăng nhanh làm rối loạn hệ thống tự nhiên, mất khả năng điều hòa tự làm sạch, nhất là môi trường nước; chất thải nguy hại chưa được xử lý đúng quy định trong quá trình phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; phát triển đô thị ồ ạt vùng ĐBSCL; nhận thức của con người về chức năng của môi trường thiếu đầy đủ dẫn đến ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường chưa cao, xuất hiện ngày càng nhiều những hành vi xâm hại thô bạo, hủy hoại và không thân thiện với môi trường; hệ thống pháp luật về môi trường của Nhà nước chưa đủ mạnh để quản lý, bảo vệ, kiểm soát môi trường.

Đối với môi trường biển khu vực ĐBSCL, tài nguyên biển, nhất là vùng ven bờ trước nguy cơ cạn kiệt vì ô nhiễm mà nguyên nhân do nhiều cửa sông đổ ra biển làm cho vùng biển bị ô nhiễm nghiêm trọng; thói quen của cư dân sống ven biển xem biển là “thùng chứa rác và chất thải” do họ tạo ra; tốc độ phát triển tàu thuyền quá lớn, đặc biệt là tàu đánh cá với nhiều hình thức khai thác hủy diệt kết hợp với xả thải; ảnh hưởng của tràn dầu…

Các tham luân tại hội thảo khoa học này nêu giải pháp khắc phục là thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục có chiều sâu, hiệu quả để nâng cao nhận thức của mỗi người dân, cộng đồng xã hội về bảo vệ môi trường và môi trường biển; đề xuất việc thực hiện quản lý, kiểm soát môi trường bằng pháp luật trên cơ sở hoàn thiện hệ thống pháp luật và hỗ trợ sản xuất sạch, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất, xử lý chất thải; sử dụng các công cụ kinh tế để quản lý môi trường và môi trường biển như: thuế, phí và quỹ môi trường, thuế tài nguyên, đầu tư bảo vệ môi trường…; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác bảo vệ và quản lý môi trường.

Được biết, ĐBSCL có tổng diện tích tự nhiên gần 40.000 km², chiếm 12,1% diện tích cả nước, với chiều dài bờ biển hơn 1.000 km có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia.

Đây là vùng có diện tích trồng lúa lớn nhất cả nước, với diện tích 2,9 triệu ha đất nông nghiệp, sản lượng lúa 21 – 22 triệu tấn/năm, đóng góp lượng gạo xuất khẩu khoảng 85% xuất khẩu gạo của cả nước. Ngoài ra, ĐBSCL còn có những lợi thế mũi nhọn kinh tế khác như: nuôi trồng và khai thác đánh bắt thủy sản hàng năm đạt 50% so với sản lượng thủy hải sản chung của cả nước; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; du lịch, nhất là du lịch biển, đảo.