Bình Thuận: Quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh – còn lắm gian nan

ThienNhien.Net – Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống phá rừng được các cấp chính quyền và lực lượng chức năng trong tỉnh tích cực triển khai thực hiện. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp, nhất là các khu vực rừng giáp ranh.

Bốn ngày truy quét cao điểm

Huyện Ninh Sơn luôn là điểm “nóng” về tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép nhiều năm qua. Đặc biệt tại khu vực rừng Tà Nôi, xã Ma Nới giáp ranh huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) diễn biến phức tạp. Để đưa được lâm sản từ vùng giáp ranh về địa phương, các đối tượng “lâm tặc” sẽ phải đi theo đường mòn (giáp thôn Ma Pó, xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng) uốn quanh núi Gia Vá và phải vượt qua nhiều con suối, qua các tiểu khu 118, 119, 120 và 122 thuộc lâm phần quản lý của Công ty Lâm nghiệp Ninh Sơn. Phương tiện chủ yếu được sử dụng vận chuyển lâm sản trên những con đường có địa hình phức tạp này chủ yếu là các loại xe máy đã được độ chế lại.

Lực lượng kiểm lâm phát hiện và thu giữ gỗ khai thác trái phép.
Lực lượng kiểm lâm phát hiện và thu giữ gỗ khai thác trái phép

Sau khi nắm rõ địa bàn và thống nhất phương án theo kế hoạch được triển khai từ trước, những ngày đầu tháng 11, Đoàn truy quét chống phá rừng liên ngành của tỉnh, do Chi cục Kiểm lâm tỉnh dẫn đầu đã mở đợt truy quét cao điểm tại các điểm “nóng” tại khu vực rừng Tà Nôi, xã Ma Nới (Ninh Sơn) giáp ranh khu vực xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Đoàn chia làm hai mũi, một mũi truy quét từ vùng rừng giáp xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng về và một mũi truy quét từ khu vực rừng Tà Nôi, xã Ma Nới lên vùng giáp ranh thuộc tiểu khu 120. Sau 4 ngày đêm truy quét, Đoàn kiểm tra đã phát hiện thu giữ hơn 2,5 m³ gỗ từ nhóm I đến nhóm VII, trong đó có 0,4 m³ gỗ hương thuộc nhóm IIA và 14 xe độ chế các loại. Theo đồng chí Phạm Cao Đảm, Chi cục phó Chi cục kiểm lâm tỉnh thì có lẽ do bị “động” nên các đối tượng rút lui chờ thăm dò tình hình, nên lượng gỗ và xe độ thu giữ không nhiều như các đợt truy quét trước.

Vẫn còn hằng trăm vụ vi phạm về rừng mỗi năm

Tỉnh ta hiện có gần 150.000 diện tích đất có rừng tự nhiên. Những năm qua, cùng với việc thực hiện các chương trình trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nhằm nâng cao độ che phủ của rừng, các cấp chính quyền, lực lượng chức năng đã tích cực triển khai nhiều biện pháp truy quét, ngăn chặn nạn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Tuy nhiên, phần lớn diện tích rừng lại nằm tại những vùng giáp ranh, địa bàn rộng lớn và hiểm trở nên việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn ngày một tăng cao.

Nhiều loại gỗ bị lâm tặc chặt hạ tại vùng rừng giáp ranh huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng
Nhiều loại gỗ bị lâm tặc chặt hạ tại vùng rừng giáp ranh huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng

Theo thống kê, trong thời gian từ năm 2010 đến nay, năm nào các lực lượng chức năng cũng phát hiện hằng trăm vụ vi phạm lâm luật. Trong đó vi phạm phá rừng, khai thác gỗ và vận chuyển lâm sản trái phép chiếm hơn 50%. Riêng trong năm 2012 toàn tỉnh phát hiện hơn 720 vụ vi phạm, tăng gần 10% so với năm trước ( năm 2011 có 652 vụ vi phạm). Theo nhận định của lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tình hình phá rừng, mua bán, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là các khu vực rừng giáp ranh với các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận. Trong đó, đối tượng vi phạm tại các khu vực này chủ yếu là bà con đồng bào dân tộc thiểu số bị các đối tượng “lâm tặc” lợi dụng và người của địa phương các vùng giáp ranh. “Địa hình rộng, phức tạp, lực lượng làm công tác quản lý bảo vệ rừng tại các khu vực này lại rất mỏng, công tác phối kết hợp giữa các lực lượng, vùng giáp ranh vẫn còn hạn chế nên tình trạng vi phạm lâm luật chưa ngăn chặn một cách triệt để.”. Đồng chí Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh nhìn nhận.

Bảo vệ rừng giáp ranh cần nhiều biện pháp mạnh hơn 

Trước thực trạng trên, để công tác phối hợp bảo vệ và quản lý vùng rừng giáp ranh trong thời gian tới đạt hiệu quả, ngăn chặn được nạn phá rừng diễn biến ngày càng phức tạp thì còn rất nhiều điều cần quan tâm. Việc tăng cường công tác truy quét là điều rất cần thiết, nhưng để việc bảo vệ rừng giáp ranh thật sự hiệu quả cần có nhiều biện pháp mạnh hơn nữa. Trước hết, cần tăng cường hơn nữa việc xây dựng và ký kết quy chế phối hợp bảo vệ rừng, không chỉ giữa các tỉnh giáp ranh, mà cần có thêm trách nhiệm giữa các huyện, các đơn vị chủ rừng…để tránh tình trạng thiếu đồng bộ khi tổ chức truy quét; đồng thời tăng tính pháp lý trấn áp, răn đe đối với các đối tượng, kể cả người ngoài địa phương. Cần thường xuyên chủ động trong công tác tuyên truyền pháp luật cho nhân dân vùng giáp ranh để họ nâng cao nhận thức về việc bảo vệ rừng. Lập danh sách, quản lý các đối tượng khai thác, buôn bán gỗ tại địa phương để có các biện pháp răn đe, giáo dục; mở rộng thêm các chốt, trạm canh gác rừng; quan tâm bố trí kinh phí và tăng cường thêm lực lượng tham gia tuần tra, bảo vệ tại các vùng giáp rừng ranh. Về dài lâu, cần sớm có những giải pháp phát triển kinh tế bền vững cho các khu vực miền núi, nhằm giúp người dân xóa đói giảm nghèo, từ đó chuyển đổi sang nghề mới có thu nhập cao hơn nhằm hạn chế tình trạng phá rừng. Có như vậy việc quản lý, bảo vệ vùng rừng giáp ranh mới thực sự hiệu quả dài lâu.