Góp ý dự thảo Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải

(Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

ThienNhien.Net – Ngày 23/11 tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Phó Tổng cục trưởng Hoàng Dương Tùng tới dự và chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo còn có đại diện của ADB, VPEG, JICA, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, đại diện Sở TN&MT một số tỉnh phía Bắc và một số Tập đoàn, doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Dương Tùng cho biết nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải , tiết kiệm nguồn nước sạch và tạo nguồn kinh phí cho bảo vệ, khắc phục ô nhiễm môi trường, năm 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2003, một số Thông tư hướng dẫn, Nghị định sửa đổi cũng như rất nhiều các văn bản quy định và hướng dẫn về phí BVMT đối với nước thải tại các địa phương.

Sau gần 9 năm triển khai thực hiện Nghị định 67/2003, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện như công thức tính toán phức tạp, khó khăn, việc lấy mẫu xét nghiệm, quan trắc môi trường cũng như việc áp dụng rất khó khăn cho nên nhiều doanh nghiệp tìm cách đối phó với công tác bảo vệ môi trường. Do đó, cần thiết phải có một Nghị định mới thay thế hoàn toàn Nghị định 67/2003 nhằm khắc phục được các nhược điểm của Nghị định 67/2003 sao cho phù hợp với tình hình thực tế, khả năng khi áp dụng được trong thực tế cao, khuyến khích doanh nghiệp và người dân có trách nhiệm cao trong công tác bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn nước sạch.

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Dương Tùng đánh giá cao sự hợp tác của Dự án VPEG, Dự án JICA, các Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Sở TN&MT các tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ TN&TM trong công tác dự thảo Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và hy vọng thông qua hội thảo sẽ có được nhiều ý kiến đóng góp để Dự thảo sớm được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 12/2012.

Tại hội thảo, các đại biểu được Ban soạn thảo trình bày các hạn chế và khó khăn trong việc triển khai Nghị định 67/2003 và cho biết công tác triển khai các quy định về phí BVMT đối với nước thải tại các địa phương hiện nay đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến năng lực, cơ cấu và phương pháp tính phí, hiệu quả sử dụng phí, ít có tác động thay đổi hành vi của doanh nghiệp, sự bất cập trong các quy định. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được TS.Benoit Laplante giới thiệu kinh nghiệm của thế giới trong việc áp dụng thành công việc thu phí BVMT đối với nước thải của một số nước trên thế giới, trong đó Canada và Philipin có nhiều nét khá tương đồng.Qua đó, thấy được việc đề xuất các nội dung để sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về phí nước thải là rất quan trọng và cần thiết.

TS.Lê Hoàng Lan đã trình bày một số kết quả áp dụng thử nghiệm các đề xuất phí BVMT đối với nước thải và cho rằng Dự thảo Nghị định mới sẽ đơn giản hóa việc phân tích mẫu nước thải bằng hai thông số COD và TSS; việc thu phí phù hợp hơn… Ths.Nguyễn Hoàng Ánh chia sẻ các vấn đề liên quan đến áp dụng quy định mới về  phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trong đó nhấn mạnh đến từng bước quy trình triển khai thực hiện như việc xây dựng thông tư hướng dẫn cũng như tăng cường năng lực cho các các cơ quan chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường năng lực cho các địa phương trong việc thống kê, phân loại nguồn thải và thực hiện các quy định mới về phí BVMT đối với nước thải nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu phí.

Điểm mới của Nghị định thay thế Nghị định 67/2003 là đa số các loại phí được áp dụng bảo đảm tính công bằng, minh bạch. Một số đối tượng bị điều chỉnh phải đóng phí nước thải mới bao gồm: bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở kinh doanh có nước thải ra môi trường, như rửa ô tô, xe máy; sẽ áp dụng hai loại hình phí mới: phí cố định, là mức phí áp dụng đối với các đối tượng nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp, trong đó sẽ phân loại đối tượng theo đánh giá tác động môi trường và cam kết BVMT. Phí biến đổi sẽ được áp dụng đối với các đối tượng có quy mô lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hai loại hình phí này đã được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới…