Quản lý, bảo vệ rừng khu vực Tây Nguyên: Cần sự chuyển biến mạnh từ các doanh nghiệp

ThienNhien.Net – Hoạt động của các doanh nghiệp tham gia làm nghề rừng ở khu vực Tây Nguyên được coi là một trong những yếu tố quan trọng đối với công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR). Toàn vùng hiện có 56 Công ty lâm nghiệp được Nhà nước giao quản lý hơn 850.000 ha, trong đó có 732.000 ha rừng tự nhiên, 44.000 ha rừng trồng và hơn 90.000 ha rừng phòng hộ. Đơn vị được giao quản lý rừng tự nhiên sản xuất cao nhất ở Tây Nguyên là Công ty lâm nghiệp Komplông (tỉnh Kon Tum) có hơn 46.000ha, các Công ty lâm nghiệp ở tỉnh Lâm Đồng bình quân được giao mức quản lý hơn 19.000 ha/đơn vị.

Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, hoạt động của các Công ty lâm nghiệp trong khu vực chưa đều và kém hiệu quả dẫn đến tình trạng làm suy thoái rừng. Mặc dù các đơn vị đã qua các lần sắp xếp, chuyển đổi song vẫn còn nhiều lúng túng, mang nặng tính hình thức và thực chất cũng mới chỉ là “thay tên đổi họ”.

Vấn đề mấu chốt là các Công ty lâm nghiệp chưa thực hiện được quyền và nghĩa vụ của một chủ rừng theo quy định của pháp luật, từ khâu khai thác gỗ rừng tự nhiên đến khâu vay vốn để tái sinh rừng đều “gặp khó” từ các chế tài. Những đơn vị được giao nhiệm vụ khai thác gỗ hàng năm thì còn “dễ thở” hơn, bởi có thêm một phần nguồn thu để trang trải cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Còn các đơn vị khác hầu như chỉ tập trung vào công tác QLBV rừng như một đơn vị sự nghiệp – vốn cấp, vốn vay nên không đáp ứng so với yêu cầu thực tế.

Về công tác quản lý đất lâm nghiệp trong các Công ty cũng còn bị nhiều áp lực do chưa được rà soát, đo đạc, cắm mốc và lập bản đồ địa chính cũng như chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, xâm hại rừng vẫn thường xảy ra nhưng chưa được giải quyết một cách triệt để, rồi việc thu hồi với các lý do như trồng cao su và cây công nghiệp, định canh định cư và các nhu cầu dân sinh kinh tế khác của từng địa phương.

(Ảnh minh họa: vneconomy.vn)

Để các Công ty lâm nghiệp khu vực Tây Nguyên đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nề nếp và có hiệu quả, nhiều giải pháp được đặt ra và các địa phương đang thực hiện. Trước mắt về công tác quản lý đất lâm nghiệp, các địa phương cần tăng cường xúc tiến làm nhanh khâu rà soát, đo đạc đất đai để tiến cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các Công ty; xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp tranh chấp và vi phạm pháp luật về đất đai. Sau khi rà soát, quy hoạch lại, các Công ty đều phải xây dựng lại phương án quản lý rừng bền vững theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Do diện tích rừng quản lý quá lớn nên trong từng đơn vị phải thành lập các Ban rừng sản xuất là rừng tự nhiên và chuyển giao toàn bộ diện tích rừng này cho Ban quản lý với quy mô phù hợp, có bố trí lực lượng Kiểm lâm thuộc Ban như mô hình của các Vườn quốc gia.

Về vốn, tài chính, đầu tư và tín dụng cũng đang được tháo gỡ, trên cơ sở ban hành các chế tài phù hợp nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các Công ty lâm nghiệp có điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh nghề rừng theo hướng bền vững.