Hướng hoạt động kinh tế vào vùng đất cao để giảm thiểu tác động BĐKH

ThienNhien.Net – Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Việt Nam từ nay đến năm 2050, Chính phủ có thể hướng các hoạt động kinh tế vào những vùng đất cao và tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được nêu trong Báo cáo “Tác động của biến đổi khí hậu với tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Việt Nam” được tiến hành bởi Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, trường Đại học Copenhagen và Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển Thế giới, công bố ngày 26/7.

Nghiên cứu phân tích tổng hợp tác động của BĐKH đối với kinh tế Việt Nam đến năm 2050. Theo giả định của GS. Channing Arndt, Đại học Copenhaghen, trong giai đoạn 2007 – 2050, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 5,4%/năm với đóng góp của nông nghiệp trong GDP giảm từ 16% xuống còn 7,6%. Tỷ trọng nông nghiệp đóng góp cho nền kinh tế trong giai đoạn 2046 – 2050 chỉ 7 – 8%, nên tác động của BĐKH là không đáng kể.

Tuy nhiên, việc tăng lượng mưa hoặc tăng cường độ mưa sẽ làm đường giao thông xuống cấp, tăng chi phí duy tu bảo dưỡng, hoặc giảm lưu thông; tăng nhiệt độ làm đường trải nhựa vốn được thiết kế để chịu được ngưỡng nhiệt độ thấp sẽ bị thiệt hại nhiều hơn, khiến nguồn lực để đầu tư mới vào đường giao thông, hoặc bảo dưỡng đường cũ bị giảm đi.

Bên cạnh đó, tình trạng bão, lũ gia tăng cũng khiến tốc độ tăng trưởng GDP giảm sút từ 0,01 – 0,08 %/năm, nói cách khác, nếu tốc độ tăng trưởng bình quân là 5,4%/năm thì tốc độ tăng trưởng khi bị tác động bởi bão, lũ chỉ có thể vào khoảng 5,32 – 5,39%. Nước biển dâng tuy tác động nhẹ nhất, song cũng khiến GDP giai đoạn 2046 – 2050 giảm từ 0 – 2,5%.

Trong khi đó, với dự báo GDP đến năm 2050 của Việt Nam khoảng trên 500 tỷ USD thì giá trị thiệt hại do BĐKH lên đến 40 tỷ USD là tương đối lớn.

Theo Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, H.E. John Nielsen, những chính sách phù hợp của Chính phủ để thích ứng với BĐKH có thể giúp giảm thiểu những rủi ro, tổn thất.

Cụ thể, Chính phủ có thể hướng các hoạt động kinh tế tập trung vào những vùng đất cao và tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo, để ứng phó dần với tác động nước biển dâng của BĐKH, việc di dời các hoạt động kinh tế vào các vùng đất cao nên được triển khai sớm trong vòng 10 năm tới, nhất là trong trường hợp dự báo về kịch bản nước biển dâng trở thành hiện thực.