Phát hiện loài cóc mày mới ở miền Trung Việt Nam

ThienNhien.Net –  Tạp chí quốc tế nghiên cứu chuyên ngành về động vật ZOOTAXA ra ngày 23/05/2012 cho biết loài cóc mày mới này được một nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học Việt Nam và Australia phát hiện tại khu vực rừng miền Trung Việt Nam, được đặt tên khoa học Leptolalax firthi sp. nov.

Được biết, loài cóc này do TS. Cao Tiến Trung – Trưởng khoa Sinh học, Đại học Vinh (Nghệ An) – và TS. Jody J.L. Rowley thuộc Bảo tàng Australia phát hiện lần đầu trong một chuyến thực địa tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sông Thanh (Quảng Nam), lúc ấy chỉ có 4 mẫu về loài. Tiếp đó, năm 2010, trong chuyến khảo sát tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum), nhóm lại thu thập được thêm nhiều mẫu vật và tiến hành mô tả. Các mẫu nghi vấn lúc đầu được mô tả bằng đo đếm hình thái, mẫu ADN, sau được gửi qua Bảo tàng Australia phân tích. Hiện, các mẫu vật vẫn còn được lưu giữ ở Bảo tàng Đại học Vinh và Bảo tàng Tự nhiên Australia.

Cá thể cóc mày cái trưởng thành (Ảnh: ZOOTAXA)

Theo bản mô tả trên Tạp chí ZOOTAXA, cóc mày Leptolalax firthi sp. nov có kích thước nhỏ bé (trung bình từ 26,4 – 29,2 mm đối với con đực trưởng thành và từ 25,7 – 36,9 mm đối với con cái); đầu mút các ngón của chi trước tròn trịa; trên cơ thể xuất hiện nhiều tuyến lớn (gồm tuyến trên nách, tuyến ngực, tuyến đùi và tuyến bụng); không có răng lá mía; có sự hiện diện của những nốt sần trên mí mắt… Đây cũng là đặc điểm chung của các loài thuộc chi Leptolalax.

Các nhà khoa học cho biết có một số đặc điểm có thể giúp phân biệt chúng với các loài khác cùng chi như: phần lưng không xuất hiện những vệt đen hay nâu đậm; các ngón chân đều phủ màng ở gốc; ngực và bụng có màu trắng trong; đặc biệt, con đực thường có viền da rộng ở ngón chân thứ hai, còn con cái hầu như không có, hoặc nếu có cũng không rõ ràng; tiếng kêu của loài cóc mày mới bao gồm từ 2 – 5 nốt với tần số trội từ 5,4 – 6,6 kHz.

Cóc mày Leptolalax firthi sp. nov hiện mới được tìm thấy trong vùng rừng thường xanh trên núi ở độ cao từ 860 – 1.720 m thuộc Kon Tum, Quảng Nam. Trong những đợt khảo sát vào mùa mưa, nhóm nghiên cứu chỉ có thể bắt gặp các cá thể cái tại khu vực rừng cách xa bờ suối, song vào cuối mùa khô, nhóm có thể dễ dàng ghi nhận hàng trăm con đực ở các bãi đá ven bờ suối, con cái cũng xuất hiện nhưng kém đông hơn.

Với lượng thông tin hiện có liên quan đến loài mới, nhóm nghiên cứu đề xuất đưa chúng vào nhóm loài thiếu dữ liệu (DD) trong Sách đỏ của IUCN.