Tê giác và bí ẩn địa y (kỳ cuối)

Kỳ 3 : Sự kỳ diệu của tê giác

ThienNhien.Net – Những quan sát và ghi chép của tổ tiên ta cho thấy : tê giác là một nhà nông nghiệp đại tài, một chiến sĩ chống cháy rừng kiệt xuất, một nhà bảo vệ động vật và một thầy thuốc giỏi…

Nước ta khởi thủy là vùng đầm lầy, là một trong những quê hương của loài tê giác, trong khi Trung Quốc hầu như không có tê giác. Từ hàng ngàn năm trước, hàng năm trong những cống vật đưa sang “thiên triều” Trung Quốc đều có sừng tê giác. Do tổ tiên ta chủ yếu lấy sừng của những con tê giác chết già, nên số lượng tê giác ở Việt Nam trước chiến tranh vẫn rất nhiều, cho đến những năm 60 của thế kỷ trước người ta vẫn nhìn thấy tê giác trong những cánh rừng ở Đà Lạt và nhiều nơi khác.

Thế giới có nhiều nghiên cứu về tê giác, tuy nhiên do sự cấp bách của tình hình, mọi ưu tiên được tập trung vào các giải pháp cứu vớt những con tê giác cuối cùng còn tồn tại trên hành tinh, hơn nữa cũng do yêu cầu bảo vệ tê giác, các nhà khoa học cũng tránh tối đa việc tiếp cận những cá thể tê giác đang sống trong các vùng bảo tồn, do vậy những nghiên cứu về tập tính và ảnh hưởng của loài tê giác trong thiên nhiên cho đến nay còn ít. Trong khi tổ tiên ta do quá quen thuộc với loài tê giác, nên đã có một quá trình theo dõi, quan sát lâu dài và đúc kết thành những tài liệu rất quý giá về loài tê giác. Những tài liệu thú vị này hiện còn ghi rõ trong sách “Nguyễn Phúc tộc dược minh y kính” :

Trước hết, tê giác là một nhà gieo trồng và bảo vệ thực vật tốt nhất, là một nhà nông nghiệp đại tài. Chúng ta đều biết lâu nay việc phát tán cây cối trong thiên nhiên từ vùng này qua vùng khác chủ yếu thông qua các loài chim, các loài thú ăn cây cỏ và qua sự vận hành của gió, bão. Tuy nhiên, có những loài cây cỏ chim không ăn hạt được, còn loài loài thú ăn cỏ thì không thể tới khu vực có thú ăn thịt. Phần quan trọng của nhiệm vụ này do tê giác đảm nhiệm. Bởi vì, dù là loài thú ăn cây cỏ nhưng trong thiên nhiên, trừ con người ra, tê giác không sợ bất cứ con nào. Thức ăn của tê giác là cỏ, cây lá và một số trái cây chín rụng (tê giác không bao giờ ăn trái còn dính trên cây). Khi di chuyển từ khu vực có thú ăn cỏ sang khu vực có thú ăn thịt, phân của nó sẽ phát tán các hạt hoặc mầm cây cỏ khiến cho thảm thực vật được cân bằng. Rất nhiều loài cây nếu không có tê giác thì không phát tán được.

Điều kỳ thú nữa là sự phát tán cây cỏ của tê giác còn được tiếp tay bởi chó sói. Vùng nào có tê giác, vùng đó thường có chó sói, vì chó sói rất thích ăn phân và liêm nước tiểu của tê giác. Phân và nước tiểu tê giác giúp chó sói cân bằng thể trạng và chữa nhiều bệnh tật, bởi vậy tê giác mất đi thì các đàn chó sói cũng sẽ suy thoái. Chó sói ăn phân tê giác chó chứa những hạt, mầm, chó sói sẽ thải những hạt, mầm đó qua phân đến những khu vực có độ cao mà tê giác không thể đến.

Vai trò quan trọng thứ hai là cân bằng các loài thú ăn cỏ và thú ăn thịt, chống việc thú ăn cỏ bị thú ăn thịt lạm sát. Như đã nói, ngoài kẻ thù duy nhất là con người, tất cả các loài thú dữ đều sợ tê giác. Vùng nào có tê giác, sư tử, hổ, báo không làm loạn được. Tổ tiên ta đã quan sát được điều kỳ diệu này ở loài tê giác : Vùng nào có thú ăn cỏ nhiều, tê giác sẽ dạt đi chỗ khác, thú ăn thịt đến đến đó. Khi vùng đó thú ăn cỏ giảm đi (do bị ăn thịt), thú ăn thịt nhiều lên, tê giác sẽ quay trở lại, khi ấy thú ăn thịt sẽ dạt đi nơi khác, lượng thú ăn cỏ còn lại sẽ được bảo toàn. Điều kỳ lạ là dường như nhiệm vụ này của tê giác cũng được thiên nhiên “giám sát” thông qua loài voi. Cũng theo quan sát của tổ tiên ta thì tê giác và voi, một loài là chiến binh chữa cháy còn loài kia rất sợ lửa, nhưng không con nào sợ con nào và bình thường không con nào động chạm đến con nào, nhưng khi tê giác mất khả năng làm nhiệm vụ bảo vệ thú ăn cỏ thì sẽ bị con voi đến quật chết, khi ấy tê giác cũng mất luôn khả năng chống cự.

Vai trò quan trọng thứ ba của tê giác là chống cháy rừng, hiện nay cả thế giới đều xác định được điều đó. Có thể nói tê giác là nhà phòng cháy chữa cháy kiệt xuất. Nó phát hiện đám cháy rất nhanh và chỗ nào có lửa là tê giác xông đến dập tắt, bất kể lúc nào. Tổ tiên ta đã quan sát và kết luận ít nhất có tới 95% các vụ cháy rừng là do tê giác phát hiện và dập tắt. Bởi vậy ngày xưa các thợ săn cũng như những người đi tìm trầm ở trong rừng ban đêm không bao giờ đốt lửa. Cứ phát hiện ra mùi lửa là tê giác tới.

Vai trò quan trọng thứ tư của tê giác là một thầy thuốc giỏi. Phân và nước tiểu của tê giác vừa có tác dụng khử uế môi trường, vừa là một thứ dược liệu. Không chỉ chó sói mà nhiều loài thú khác đều thích ăn phân và liếm nước tiểu của tê giác để chữa bệnh. Các loài thú và côn trùng sống trong vùng có tê giác không con nào bị bệnh. Đặc biệt, phân và nước tiểu tê giác có tác dụng rất tốt đối với thảm thực vật xung quanh, cây cối trong vùng này không những không bị sâu bệnh mà còn tăng hàm lượng dược liệu, rất quý đối với con người. Sở dĩ trầm hương ở khu vực Khánh Hòa cũng như Tây Nguyên làm thuốc chữa bệnh tốt nhất vì khu vực này trước đây có nhiều tê giác. Tổ tiên ta khi khảo sát về cây tre cũng khẳng định măng từloài tre vàng (tre là ngà) ở miền đông nam bộ là một dược liệu quý, vì vùng này có tê giác, còn tre vàng ở những nơi khác không có tác dụng chữa bệnh.

Tóm lại, sự tồn tại của loài tê giác đã tạo một môi trường sống với muôn loài cộng sinh, phát triển một cách cân bằng và nhịp nhàng với hàm lượng địa y vô cùng phong phú. Người Việt chúng ta bao đời nay từng được hưởng phước từ môi trường sống tuyệt vời đó.

Nay loài tê giác đã bị tuyệt duyệt, sự suy thoái của môi trường sống và sự mất cân bằng về địa y tuy mắt thường không thấy được, nhưng sẽ để lại những di hại không biết đến bao giờ.