Tê giác và bí ẩn địa y (kỳ 1)

ThienNhien.Net – Nếu hổ là vua của rừng rậm, sư tử là vua vùng sa mạc thì tê giác chính là vua của vùng đầm lầy. Vai trò của chúng quan trọng hơn nhiều so với những gì mà người ta tưởng, chúng không chỉ là một mắt xích cân bằng sinh thái mà còn góp phần điều hòa sự sống trên hành tinh. Loạt bài này chỉ nói riêng về loài tê giác.

 Kỳ 1: “Thần dược” từ sừng tê giác hay từ… đất ?

 Đổ một ít nước vào chiếc đĩa nhám (làm bằng đất sét nung) rồi đem sừng tê giác mài vào, nó sẽ cho ra một thứ nước trắng đục như sữa, thứ nước này uống vào có thể chữa khỏi nhiều thứ bệnh, thậm chí khi bị sốt cao có thể chữa khỏi tức thời… Đó là sự thật được nhiều người kiểm chứng. Nhưng vấn đề là sự thật nằm ở chỗ nào ?

Khoa học hiện đại đã có nhiều nghiên cứu phân tích các chất trong sừng tê giác và khẳng định nó chẳng chứa các chất đặc biệt nào có thể “chữa bệnh” được, mà chỉ gồm các thành phần chính là keratin, melanin và calci phosphat. Khảo sát mới đây nhất của các nhà khoa học Hoa Kỳ thuộc Đại học Ohio cho thấy các chất trong sừng tê giác không khác gì tóc, móng và các loại sừng khác. Vì vậy, Giám đốc Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế (CWI) Mark Jones đã rất có lý khi khuyên những người có ý định mua sừng tê giác : “Bạn hãy giữ lấy tiền và gặm móng tay của mình còn hơn”.

Khoa học quả quyết sừng tê giác không chữa bệnh được, thế thì tại sao thứ nước trắng đục như sữa mài ra từ sừng tê giác lại có thể chữa được bệnh như đã nói ở đầu bài ? Câu trả lời nằm ở … chiếc đĩa.

Ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, người kế thừa những di sản y dược bí truyền của cung đình nhà Nguyễn, bảo rằng không cứ là sừng tê giác, mà đem sừng trâu sừng bò hay cục đá cục sắt mài vào chiếc đĩa kia, cũng sẽ cho ra thứ nước trắng đục như nhau và tác dụng chữa bệnh của nó cũng y hệt nhau.

Vâng, không phải sừng tê giác mà chiếc đĩa làm bằng đất sét trắng nung kia mới chữa được bệnh. Dược liệu ở đây chính là đất. Không phải ngẫu nhiên mà ngày xưa trong dân gian, các thầy lang đều khuyên phải mài sừng tê giác vào phần không tráng men ở dưới khu chiếc bát bằng đất nung hoặc mài vào một mảnh sành để lấy nước chữa bệnh, mài vào chỗ khác chẳng có tác dụng gì.

Ngay cả cuốn “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” được cho là của Hải Thượng Lãn Ông (có nhiều điều đáng ngờ – xem bài “Không nên ăn thịt thú rừng, vì sao ?”, Thanh Niên, 19-2-2012), bên cạnh mục nói về sừng tê giác, cũng đề cập tới 14 loại đất chữa được bệnh. Nếu so sánh y lý của sừng tê giác với y lý của các thứ đất ghi trong chính cuốn sách này, bạn sẽ thấy các loại đất chữa bệnh còn tốt hơn là sừng tê giác.

Đất không chỉ chữa được một số bệnh mà còn chữa được rất nhiều thứ bệnh, đó là sự tổng kết của nền y dược phương Đông. Các sách Đông y cổ chân truyền, nhất là sách “Nguyễn Phúc tộc dược minh y kính” đều nói rất kỹ về tác dụng chữa bệnh của các loại đất. Nhiều bài thuốc Đông y xưa cũng như nay đều có đất làm phối vị, thậm chí có khi làm chủ vị, tuy nhiên do cái tên gọi văn vẻ của nó nên nhiều người (trong đó có không ít các thầy thuốc) không hề biết nó chính là đất.

Chẳng hạn, nếu bạn bị sốt cao do nhiễm trùng bàng quang hay hệ sinh dục (nam cũng như nữ), thầy thuốc có thể cho bạn uống “Lục nhất tán”. Đây là thứ thuốc có bán phổ biến ở các hiệu thuốc bắc. Uống “Lục nhất tán” sẽ hạ sốt ngay, nếu thầy thuốc biết phối vị hợp lý nó còn có tác dụng lọc độc gan, thận và lọc máu. “Lục nhất tán”, như tên gọi của nó, gồm 6 phần hoạt thạch và 1 phần cam thảo (cam thảo chỉ giữ vai trò điều vị). Hoạt thạch là gì ? Đó chẳng qua là một loại đất sét trắng, có ở khắp nơi, từ núi đồi đến đồng ruộng.

Đất gì cũng chữa được bệnh. Ngay cả một cục gạch cũng là thuốc, đông y gọi là “Thổ chuyên”. Khi bàn chân bị tê dại mất cảm giác, đốt cục gạch đỏ lên, thả vào trong nước, hơ gót chân lên sẽ khỏi. Khi ăn vào khó chịu trong dạ dày, nướng cục gạch cùng với vỏ ốc bươu và muối hột, cho vào nước nấu sôi khoảng 5 phút, uống vào sẽ cắt cơn. Và không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Ái Quốc khi ở Paris đã không dùng hòn đá hoặc cục sắt mà đã dùng hòn gạch đốt lên để sưởi ấm, cần nhớ rằng cụ thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một thầy thuốc.

Có lẽ xuất phát từ sự ngưỡng mộ một thứ từng là cống vật cho hoàng đế “thiên triều”, cộng với những ghi chép vô căn cứ trên các sách vở đông y trôi nổi cùng những lời đồn thổi về tác dụng chữa bệnh “thần kỳ” của sừng tê giác, trong đó có bệnh ung thư, nhất là “tăng cường bản lĩnh đàn ông”, nên tiêu điểm của truyền thông lâu nay tập trung chủ yếu vào chiếc sừng.

Tần số truyền tải những điều vô căn cứ này tỷ lệ thuận với tần số tê giác bị giết. Hậu quả là con tê giác một sừng cuối cùng ở Việt Nam đã chính thức bị tiêu diệt vào năm 2010 (nước ta chỉ có tê giác một sừng), kế đó là loài tê giác đen ở châu Phi cũng hoàn toàn biến mất.

Sự biến mất của loài tê giác đã và đang khiến cho môi trường sinh thái bị mất cân đối nghiêm trọng. Hơn thế nữa, sự biến mất của loài tê giác còn làm suy thoái về địa y, đe dọa sự sống của các loài thực vật, động vật và con người trên cả một không gian sống rộng lớn ở nước ta.

Trong khi sự thật thì không có sách vở chính thống nào nói các hoàng đế Trung Quốc dùng sừng tê giác để chữa bệnh cả, họ chỉ sử dụng nó làm một linh vật thể hiện quyền uy, còn các dân tộc ở những vùng có tê giác thì giá trị sử dụng cao nhất của sừng tê giác là làm … cán dao. Sự “thần kỳ” của tê giác hoàn toàn không nằm ở chiếc sừng của nó mà nằm ở chính những con tê giác sống tự nhiên trong rừng núi.