Kiểm soát chặt việc xả nước thải vào nguồn nước

ThienNhien.Net – Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, chiều 31/5, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Theo báo cáo giải trình, chỉnh lý, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được chỉnh lý theo hướng chỉ tập trung quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra có liên quan trực tiếp tới vận hành hồ chứa, các công trình ngăn mặn, việc thăm dò, khai thác nước dưới đất…

Việc phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại của lũ, lụt, nước biển dâng, mưa đá, mưa axít và các tác hại thiên tai khác do nước gây ra được thực hiện theo quy định của pháp luật về đê điều, phòng, chống lụt, bão và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật bao gồm cả nước biển vùng nội thủy, lãnh hải thuộc chủ quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn có những ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, vấn đề quy hoạch và bảo vệ tài nguyên nước cũng như tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo đã điều chỉnh gồm cả nước biển vùng nội thủy, lãnh hải nhưng lại sử dụng cụm từ “trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” dễ gây hiểu nhầm là chỉ có nước ở phần lục địa mà không có nước ở nội thủy và lãnh hải của Việt Nam. Dưới góc độ quản lý Nhà nước về biển đảo nói chung và quản lý Nhà nước đối với tài nguyên nước, trong đó có cả tài nguyên nước biển, cần phải quy định thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để tổ chức thực thi pháp luật trong quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước biển, gắn với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, đảm bảo tính đồng bộ với các luật khác.

Vì vậy cụm từ “trên lãnh thổ” cần được thay bằng cụm “thuộc lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” để khẳng định rõ nước ở phần lục địa và nước biển ở nội thủy và lãnh hải là lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam thuộc phạm vi điều chỉnh của điều này.

Lo ngại về tình hình ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở một số sông trên phạm vi cả nước, gây nhiều bức xúc trong xã hội, đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ việc xả nước thải vào nguồn nước để đảm bảo phù hợp với khả năng chịu tải cũng như khả năng tự làm sạch của nguồn nước tiếp nhận. Đại biểu cho rằng chỉ như vậy mới đảm bảo việc bảo vệ chất lượng nguồn nước các dòng sông lâu dài, phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vững. Do đó, việc cấp phép xả nước thải vào nguồn nước là cần thiết và Luật cần có quy định này.

Cũng liên quan đến vấn đề bảo vệ tài nguyên nước, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) thống nhất với việc để đề cao tính tự giác, tự chịu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, dự thảo Luật chỉ yêu cầu các tổ chức, cá nhân tự xây dựng phương án để chủ động phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và kịp thời ứng phó, xử lý sự cố ô nhiễm nguồn nước do mình gây ra mà không cần xin phép.

Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) đề nghị dự thảo Luật bổ sung nội dung kiểm định chất lượng nguồn nước và quan trắc nước xả thải vào nguồn nước. Trong đó, quy định cụ thể cơ quan chức năng có trách nhiệm định kỳ kiểm định chất lượng các nguồn nước hiện đang được dùng để sản xuất nguồn nước sạch trên địa bàn, kiểm định chất lượng nước sạch dùng cho sinh hoạt và công khai cho người dân biết để giám sát và có sự lựa chọn khi dùng các nguồn nước sạch. Mặt khác, bắt buộc các cơ sở có nước xả thải vào nguồn nước tự thực hiện việc quan trắc có chế tài xử phạt nghiêm với các hành vi không thực hiện việc quan trắc trung thực, nghiêm túc.

Về vấn đề quản lý tài nguyên nước, đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cho rằng dự thảo Luật quy định việc quản lý tài nguyên nước phải thống nhất theo lưu vực sông kết hợp với địa bàn hành chính là chưa chặt chẽ, đầy đủ, nội hàm lưu vực sông không bao hàm được hết các nguồn nước. Đại biểu đề nghị quy định việc quản lý tài nguyên nước phải thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước kết hợp với địa bàn hành chính bởi quản lý tài nguyên nước bao gồm tất cả các nguồn nước ao hồ sông suối, nước biển, nước mưa và nước dưới đất.

Kiến nghị về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị bổ sung quy định về phân vùng bảo hộ vệ sinh nguồn nước sinh hoạt trên lưu vực sông liên tỉnh để tránh tình trạng xảy ra tranh chấp giữa các địa phương với nhau, ảnh hưởng đến tính hệ thống của nguồn nước; đồng thời bổ sung nguyên tắc quản lý giữa các bộ, các tỉnh, quy định trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về tài nguyên nước cấp tỉnh, huyện, các tổ chức sự nghiệp về tài nguyên nước và các tổ chức hoạt động tư vấn tài nguyên nước.

Đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) đề xuất giao Chính phủ ban hành các tiêu chí để xác định lưu vực sông nhằm quản lý bảo vệ tốt nguồn nước, khắc phục tình trạng suy giảm chất lượng nước.

Nhiều nội dung khác về các hành vi cấm, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước… cũng đã được các đại biểu quan tâm thảo luận.