Những thách thức đối với giảm nghèo nông thôn tại Việt Nam

ThienNhien.Net – Giảm nghèo hiện vẫn đang là một vấn đề cần ưu tiên đối với Việt Nam và chiến lược giảm nghèo của Chính phủ cũng cần có những thay đổi vì các phương pháp hiện đang áp dụng không còn hiệu quả. Đây là một trong những khuyến nghị quan trọng của báo cáo: “Nhìn về phía trước: Những thách thức đối với giảm nghèo nông thôn tại Việt Nam” vừa được hai tổ chức quốc tế Oxfam và ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) công bố trước thềm Hội nghị giữa kỳ của Các nhà tài trợ sẽ được tổ chức tại Quảng Trị vào đầu tuần tới.

Bìa báo cáo

Báo cáo cập nhật kết quả theo dõi đói nghèo theo phương pháp cùng tham gia tại một số cộng đồng dân cư nông thôn từ 2007-2011. Đây là giai đoạn gian nan của công cuộc giảm nghèo của Việt Nam vì thời gian này lạm phát tăng cao, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh… đã tác động trực tiếp đến đời sống của từng người dân, đặc biệt là người nghèo.

Mặc dù vậy, tỷ lệ nghèo (tính theo thu nhập) trong giai đoạn này tiếp tục giảm. Những đầu tư lớn của Chính phủ giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận tốt hơn với cơ sở hạ tầng, cơ hội kinh tế, công việc phi nông nghiệp, giáo dục, y tế, vay vốn, khuyến nông lâm và nhà ở. 55% số hộ gia đình trong nghiên cứu này cảm nhận rằng đời sống của họ “tốt hơn” trong 5 năm qua. Tuy nhiên thách thức giảm nghèo vẫn tồn tại. Số người nghèo ở nông thôn giảm nhưng không đồng đều. Kết quả từ báo cáo cho thấy vẫn còn gần 2 trong số 5 người được hỏi tại các điểm khảo sát không thấy hoặc không chắc là cuộc sống họ có sự thay đổi và có tới 9% còn cho rằng cuộc sống của họ còn “kém đi” trong 5 năm vừa qua.

Nghèo kinh niên ngày càng tập trung hơn tại các vùng dân tộc thiểu số; điều này được thể hiện qua việc so sánh các tiêu chí nghèo đa chiều khác nhau giữa các nhóm dân tộc thiểu số với nhóm người Kinh. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực giúp người dân thoát nghèo, tuy nhiên, theo dõi từ các điểm khảo sát cho thấy có tới 16% số người vẫn thiếu lương thực đến gần 5 tháng/năm, trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng vẫn ở mức cao (cứ 4 em có 1 em suy dinh dưỡng), 42% gia đình vẫn chưa được tiếp cận với nước sạch, cứ 4 trong 5 gia đình vẫn không có nhà vệ sinh hoặc chỉ có nhà vệ sinh tạm bợ… Những người sống ở mức cận nghèo dễ bị tái nghèo do lạm phát cao, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thiên tai và dịch bệnh. Đây cũng chính là các rủi ro cả cũ và mới, đồng thời cũng là những thách thức lớn đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam.

Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện AAV nhận định: “Để đảm bảo giảm nghèo bền vững, Oxfam và AAV khuyến nghị cần hiểu rộng hơn về nghèo vì nghèo có tính chất đa chiều và nguyên nhân nghèo thường đa dạng và phức tạp.” Các nhóm nghèo kinh niên, nghèo dễ bị tổn thương, nghèo tạm thời và cận nghèo cần có các phương pháp tiếp cận khác nhau, các chính sách và đầu tư công cần tập trung để có hiệu quả hơn. Không có cơ hội tiếp cận việc làm, thiếu tiếng nói để có lựa chọn tốt hơn và yêu cầu quyền lợi là những yếu tố góp phần quan trọng vào tình trạng nghèo. Thêm vào đó, cần hiểu và đánh giá tốt hơn nhu cầu và mong muốn của các cộng đồng, các nhóm dân tộc thiểu số khác nhau.

Một vấn đề nữa cũng cần được tìm hiểu thêm là mối tương quan giữa di chuyển lao động và việc giảm nghèo ở cả nông thôn và đô thị. Theo báo cáo, di chuyển lao động trong 5 năm đóng vai trò quan trọng đối với việc giảm nghèo nông thôn, tuy nhiên người dân di cư thường bị phân biệt đối xử khi tiếp cận các dịch vụ cơ bản. Do đó cần phải có chính sách khuyến khích và hỗ trợ họ trong việc tìm kiếm và bảo đảm việc làm an toàn.

Báo cáo cũng trình bày một số đề xuất thảo luận nhằm hướng đến giảm nghèo bền vững ở các vùng nông thôn Việt Nam nhất là các vùng miền núi dân tộc thiểu số. Chính phủ cần thiết kế những chính sách giảm nghèo cũng như các chính sách an sinh xã hội mạnh mẽ hơn với chiến lược, phương pháp tiếp cận phù hợp và mở rộng cho các nhóm nghèo khác nhau. Những cải tiến mới như cấp tiền mặt trực tiếp cần được thử nghiệm khi có điều kiện, đặc biệt là đối với các hộ chưa đủ ăn và cộng đồng dân tộc thiểu số.

Ông Andy Baker, Giám Đốc Oxfam cũng khuyến nghị: “Chính phủ cần xem xét việc tăng định mức trợ giúp xã hội để phù hợp với chi phí sinh hoạt. Ngoài ra, cũng cần có một cơ chế “ra khỏi chính sách hỗ trợ nghèo” cho các hộ cận nghèo hoặc vừa thoát nghèo.” Để hỗ trợ nông dân, cần đổi mới dịch vụ khuyến nông, đặc biệt là ở vùng miền núi dân tộc thiểu số, tăng cường việc áp dụng các phương pháp đào tạo có sự tham gia và thực hành tại đồng ruộng; cần đầu tư vào các dự án hướng tới cải thiện và thay đổi mô hình sinh kế của người nghèo, đặc biệt là các mô hình đầu tư chi phí thấp, phù hợp với điều kiện và chiến lược thoát nghèo của nam giới, phụ nữ và người dân tộc thiểu số.