Tọa đàm góp ý cho chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học

(Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

ThienNhien.Net – Chiều 25/4, tại Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức buổi tọa đàm “Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) đến năm 2020: Bài học, thách thức và cơ hội.”

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia về môi trường và ĐDSH trong và ngoài nước cùng thảo luận, chia sẻ nhận định, đánh giá về chính sách bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam và đóng góp các khuyến nghị chính sách cho việc xây dựng dự thảo Chiến lược.

Theo đánh giá, Việt Nam là một trong số những quốc gia có mức độ ĐDSH hàng đầu thế giới với nguồn động, thực vật tự nhiên đa dạng, hệ sinh thái phong phú nhưng những năm gần đây đang dần suy giảm ở cả 3 lĩnh vực: các hệ sinh thái bị xuống cấp, các loài bị đe dọa và nguồn gen xói mòn.

Các đại biểu tham dự tọa đàm chỉ rõ những khó khăn và vướng mắc của công tác bảo tồn ĐDSH hiện nay như: nguồn lực chưa được đầu tư có trọng điểm, còn gây ra lãng phí; hệ thống văn bản và quản lý nhà nước còn chồng chéo, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ nên hiệu quả bảo tồn ĐDSH chưa cao.

Đã có nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo, một số ý kiến cho rằng cần đặt người dân vào vai trò trọng tâm của công tác bảo tồn ĐDSH, chỉ khi người dân thật sự tham gia vào thì công tác này mới đạt hiệu quả cao; trong các nỗ lực hợp tác quốc tế cần chú trọng hợp tác bảo tồn ở khu vực, đặc biệt các quốc gia láng giềng như Lào, Cam-pu-chia vì có nhiều đặc điểm và nhu cầu bảo tồn tương đồng.  Có ý kiến cho rằng nên thúc đẩy giám sát đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường thực thi pháp luật về ĐDSH v.v.

Đại diện Cục bảo tồn Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên môi trường) cho biết dự thảo đang được xây dựng, sẽ trình lên Chính phủ vào cuối năm nay.