Nguy cơ nhiễm xạ tại các vùng khai thác titan

Khai hác titan ở Bình Định (Ảnh: Sài Gòn Tiếp thị)

ThienNhien.Net – Thanh tra 8 doanh nghiệp khai thác, chế biến titan trên địa bàn tỉnh Bình Định, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hiện tất cả đều mắc các sai phạm về quy định bảo vệ môi trường, đặc biệt là nguy cơ nhiễm xạ rất cao tại các khu vực khai thác.

Tin từ Sài Gòn Tiếp thị ngày 19/3/2012 cho hay, kết quả phân tích chất lượng môi trường không khí tại các khu vực khai thác titan đều vượt 4,5 – 6,2 lần so với quy chuẩn; nhiều mẫu nước thải tại một số nhà máy cũng có tổng hoạt độ phóng xạ vượt mức cho phép.

Đặc biệt, theo nghiên cứu của TS. Võ Ngọc Anh – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định, quá trình khai thác, chế biến, sử dụng các sa khoáng dẫn đến sự gia tăng khả năng xâm nhập của các nguyên tố phóng xạ vào môi trường xung quanh, gây ô nhiễm phóng xạ. Trong đó, hai khu vực chủ yếu bị ảnh hưởng phóng xạ là xưởng tuyển ướt và xưởng tuyển tinh.

Xưởng tuyển tinh quặng thường là nơi tập trung nhiều tinh quặng chứa chất phóng xạ, do đó khu vực này bị ô nhiễm phóng xạ đối với môi trường dân cư, nhân viên làm việc trong xưởng. Còn ở xưởng tuyển ướt, vị trí gây ô nhiễm phóng xạ chủ yếu là đống quặng được làm giàu 85 – 92%, do đó người dân sinh sống ở vùng có quặng sa khoáng titan, công nhân làm việc ở xưởng tuyển có nguy cơ nhiễm xạ cao hơn những vùng khác.

Một nghiên cứu mới đây do GS. Lê Khánh Phồn – Trưởng khoa Dầu khí (Đại học Mỏ địa chất) chủ trì cũng chỉ ra rằng, các cơ sở sàng tuyển cát lấy titan thường thải ra một lượng lớn hỗn hợp khoáng chất, trong đó có monazit phát ra tia phóng xạ với cường độ rất nguy hiểm. Tiến hành đo mức phóng xạ tại hơn 1.000 điểm ở một khu khai thác quặng titan ven biển Nam Trung Bộ (trong đó có Bình Định), các nhà khoa học kết luận vùng ô nhiễm phóng xạ (vượt quá tiêu chuẩn an toàn cho phép) bao quanh thân quặng có dạng kéo dài với bề rộng từ 200 – 500m, dài hơn 6km. Hầu hết, nước từ quá trình tuyển khoáng cho chảy trực tiếp ra biển, không qua giai đoạn xử lý nào.

Điều đáng quan ngại là nhiều năm trở lại đây, thực trạng khai thác titan tại Bình Định diễn ra rầm rộ khiến không chỉ nguồn tài nguyên rừng phòng hộ ven biển bị hủy hoại mà cả nguồn nước sinh hoạt của bà con và nguồn lợi thủy sản đều bị ảnh hưởng. Nguy hiểm hơn, hầu hết nước thải từ quá trình tuyển quặng của các doanh nghiệp đều đổ trực tiếp ra biển mà không qua giai đoạn xử lý nào, khiến môi trường ngày càng bị ô nhiễm và sức khỏe người dân (đặc biệt là những công nhân lao động) ngày càng suy giảm.