Chuyển mục đích sử dụng trên 20 ha đất lúa phải trình Thủ tướng

ThienNhien.Net – Một trong những điểm nhấn quan trọng của Dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo là quy định thẩm quyền phê duyệt nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa tại các địa phương.

Cụ thể, trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước sang các mục đích sử dụng khác, UBND các tỉnh, thành phải trình Thủ tướng Chính phủ xét duyệt.

Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất lúa khác sang các mục đích sử dụng khác với quy mô dưới 20 ha thuộc thẩm quyền xét duyệt của UBND cấp tỉnh, nếu quá 20 ha UBND cấp tỉnh phải trình Thủ tướng Chính phủ xét duyệt.

Riêng trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm khác, phải báo cáo UBND xã.

Người trồng lúa được hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm

(Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

Ngoài các quy định nêu trên, Dự thảo cũng đề xuất chính sách hỗ trợ đối với hoạt động sản xuất lúa.

Theo đó, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước sẽ được nhận khoản hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm, và mức 100.000 đồng/ha/năm đối với đất lúa khác. Bản thân các địa phương sản xuất lúa cũng được Nhà nước hỗ trợ với định mức tương tự.

Khi sản xuất lúa bị thiệt hại, người trồng lúa cũng sẽ được hỗ trợ 50 – 70% chi phí phân bón và thuốc trừ sâu tùy theo mức độ thiệt hại từ 30 – 70%.

Nghiêm cấm gây ô nhiễm đất trồng lúa

Thêm điểm đáng chú ý là Dự thảo đặc biệt nghiêm cấm các hành vi gây ô nhiễm, làm thoái hoá, làm biến dạng mặt bằng đất trồng lúa dẫn đến không trồng lúa được; hoặc bỏ hoang đất chuyên trồng lúa nước từ 12 tháng trở lên và đất lúa khác từ 2 năm trở lên không vì lý do thiên tai bất khả kháng.

Đối với những tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao, cho thuê đất chuyên trồng lúa nước để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp, phải có phương án bóc, vận chuyển lớp đất mặt thuộc tầng canh tác để cải tạo các vùng đất trồng lúa kém chất lượng hoặc sử dụng vào các mục đích trồng trọt khác theo phương án đề xuất của UBND xã.

Trường hợp UBND xã không có phương án thực hiện thì UBND huyện phải đề xuất phương án thực hiện tại các địa phương khác trong huyện. Kinh phí thực hiện được tính vào tổng kinh phí đầu tư thực hiện dự án.

Được biết, đầu tháng 2 vừa qua, Bộ Nông nghiệp đã có Tờ trình báo cáo Thủ tướng về quá trình soạn thảo, các nội dung chủ yếu, cũng như các ý kiến đóng góp cho nội dung Dự thảo.