Đập trên dòng Mê Kông – câu chuyện chưa có hồi kết

ThienNhien.Net – Là một trong số 60 triệu dân vùng hạ lưu vực sống phụ thuộc vào dòng Mê Kông, trong mấy chục năm qua, Sutas Kom Sri đã gắn bó với nghề chài lưới ở miền Đông Bắc Thái Lan. Ngặt nỗi, ngày qua ngày, mẻ lưới ông kéo lên cứ mỗi lúc một vơi đi, bởi đơn giản lượng cá trên sông Mê Kông đang ngày một suy kiệt, kích cỡ của chúng cũng ngày một giảm dần. Chỉ bấy nhiêu thôi đã đẩy sinh kế của vô số ngư dân nơi đây vào vòng lao đao. Và thay vì kiếm đủ ăn như thời điểm 8 năm về trước, hiện tại, thu nhập của Sutas Kom Sri cũng như nhiều ngư dân khác đã giảm đi phân nửa, buộc nhiều người phải từ bỏ chài lưới quay sang tìm công việc khác để mưu sinh.

Nguyên nhân tất nhiên không phải chỉ có một, song đe dọa lớn nhất đối với dòng sông Mẹ này vẫn được quy về một mối, đó là ẩn họa từ những con đập mà trước tiên là các đập thủy điện do Trung Quốc xây trên thượng nguồn Mê Kông và gần đây nhất là đập Xayaburi mà Lào đề xuất, cánh cửa mở màn cho chuỗi 12 con đập người ta dự định sẽ xây trên dòng chính Mê Kông.

Mặc dù vừa qua đã có quyết định hoãn xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông để nghiên cứu tác động, nhưng thực tế, phán quyết cuối cùng vẫn còn phía trước. Chính vì thế, những mũi dùi công kích tác động của việc xây đập vẫn không thôi dừng lại. Có thể xem những chia sẻ tâm huyết dưới đây của nhà văn người Philippin Avigail Olarte trong bài Water Wars – The drive to develop and consume pose threats to the Great Mekong River đăng trên tạp chí Asia News Network số ra từ ngày 27/1 đến 09/2/2012 làm ví dụ.

Đập trên dòng Mê Kông – cái giá cần đánh đổi

Như đã biết, hoạt động khai thác nguồn thủy năng của sông Mê Kông nhằm cung cấp điện cho các nước trong khu vực đã rục rịch từ những năm 1960 kể từ đề xuất xây 7 đập đa mục tiêu quy mô lớn. Đến năm 1994, Ủy ban sông Mê Kông (MC – sau đó được thay thế bằng Ủy hội Sông Mê Kông, MRC) trình bày kế hoạch xây 11 đập thủy điện theo kiểu đập dâng trên dòng chính Mê Kông do Lào đề xuất, trong đó có cả Xayaburi. Đa số việc xây dựng những con đập này đều nhằm mục đích sản xuất điện xuất khẩu sang Thái Lan.

Hiện tại, số đập được lên kế hoạch đã là 12 đập, nhưng trước vô số tác động trực tiếp và gián tiếp tới dòng sông Mẹ, tới các hệ sinh thái Mê Kông và tới đời sống của hàng triệu người dân sống ở vùng lưu vực, tiến trình thông qua 12 con đập đã và đang vấp phải sự phản đối quyết liệt từ nhiều phía. Chỉ một thay đổi thôi, cơ bản sẽ có thể gây rối loạn, thậm chí hủy hoại cả một hệ sinh thái lớn, đa dạng và phức tạp.

Thực tế chứng minh, hai con đập xây trên dòng nhánh Mê Kông là Pak Mun ở Đông Bắc Thái Lan và Theun-Hinboun ở Trung Lào đã dẫn đến sự suy giảm sản lượng cá đánh bắt được và làm mất nguồn thức ăn cũng như sinh kế của nhiều cộng đồng cư trú ven sông. Dự đoán, nếu một con đập khác là Xayaburi được xây dựng, sẽ gây ảnh hưởng tới trên 200.000 dân, đẩy 41 loài cá tới bờ vực tuyệt chủng, đồng thời phá vỡ dòng di cư của ít nhất 23 loài cá…

Thêm nữa cũng cần tính đến những tác động xuyên biên giới từ việc xây đập mà đáng báo động nhất là Campuchia – nơi có tới 70% trên tổng số 9,8 triệu dân đều cư trú dọc 15km ven sông. Tình trạng mất đi sinh kế chắc chắn sẽ có tác động hủy diệt đối với cư dân nơi đây, những người sống phụ thuộc vào nghề cá và canh tác nông nghiệp, vốn coi đó như một nguồn thu nhập chính của họ…

Sông Mê Kông, đoạn chảy qua lãnh thổ Lào (Ảnh: ThienNhien.Net)

Tiếp cận thông tin – còn đó nhiều nghi vấn

Giống như nhiều dự án khác, các dự án đập thủy điện trên sông Mê Kông cũng “đính kèm” tiến trình tư vấn, tham khảo ý kiến, giúp cộng đồng bị ảnh hưởng được tiếp cận thông tin và nhận thức đầy đủ về tác động mở rộng của hệ thống đập. Tuy nhiên, tất cả hầu như chỉ mang tính thủ tục, các cuộc tư vấn, hội đàm quả thực vẫn được tổ chức, nhưng hiệu quả cuối cùng chẳng thu được là bao khi mà việc tiếp cận thông tin trên chính quốc gia đề xuất xây chuỗi 12 đập còn vô số dấu chấm hỏi.

Ở Lào, người ta đã tiến hành phỏng vấn phục vụ cho bản Đánh giá Tác động Môi trường (EIA) của dự án đập Xayaburi và theo thống kê, chỉ có 60% số người được phỏng vấn cho biết họ đã nghe nói về dự án đập này. Song, kết thúc cuộc khảo sát lại có tới 82,5% số người tán thành việc xây đập và chỉ có 2% là phản đối. Mâu thuẫn giữa những con số là sự thật nhưng cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả, Mạng lưới Sông ngòi Quốc tế (IR) bình luận, bởi đằng sau mâu thuẫn ấy là sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía Chính phủ Lào dành cho dự án, buộc nhiều người phải miễn cưỡng “nhắm mắt xuôi tay”.

Khác với Lào, chỉ riêng năm 2011, Thái Lan đã tổ chức tư vấn trên địa bàn 3 tỉnh và nhận được những phản hồi quyết liệt từ phía các cộng đồng dân cư. Họ tỏ ra hết sức lo lắng dự án đập sẽ gây xói mòn hai bên bờ sông và làm giảm đáng kể sản lượng cá, đồng thời muốn có thêm những nghiên cứu sâu rộng hơn về tác động đối với quá trình di cư của các loài cá và đời sống thủy sinh.

Bên cạnh đó, nhiều hội thảo tư vấn, thăm dò ý kiến cũng được triển khai tại Việt Nam và Campuchia, thu hút nhiều bên liên quan tham gia. Trong đó, luồng ý kiến chủ chốt thu được là phản đối dự án đập Xayaburi và ủng hộ quyết định trì hoãn xây đập trên dòng chính Mê Kông để nghiên cứu tác động.

Đáng lưu ý, trong suốt các cuộc tư vấn diễn ra ở các quốc gia khác như Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, bản Đánh giá Tác động Môi trường của dự án đập Xayaburi mà Lào đã hoàn thành từ trước đó khá lâu lại không hề được công khai dù chỉ là bản sao và được coi như một tài liệu bí mật theo yêu cầu của Chính phủ nước sở tại. Điều này đồng nghĩa với việc chẳng ai có thể đưa ra bất kỳ góp ý, phản hồi nào dành cho EIA của dự án, họ chỉ có thể tự nói lên quan điểm của mình và bày tỏ sự đồng tình hay phản đối. Thế nhưng, nói theo kiểu thiếu cơ sở, phân tán, nhỏ giọt như thế khó lòng tác động tích cực tới bên ủng hộ xây đập dù rằng về lâu về dài, làn sóng phản đối cũng sẽ đem lại những hiệu quả nhất định.

Còn bản thân một số nghiên cứu khác, điển hình là báo cáo Nghiên cứu Khả thi, lại trái ngược với EIA là được công khai sớm, song chủ yếu tập trung “tô vẽ” những mặt lợi của dự án và quả quyết rằng tác động xã hội của nó chỉ ở mức độ trung bình trong khi tác động môi trường lại ở mức thấp… Suy cho cùng, tiến trình tư vấn hay khảo sát trước khi thông qua dự án đập Xayaburi vẫn tồn tại rất nhiều khoảng trống, lỗ hổng cần lấp đầy mà nếu không có sự hợp tác tích cực của Chính phủ Lào thì ắt hẳn, hiệu quả tư vấn vẫn sẽ dậm chân tại chỗ.

Đến tận thời điểm này, câu chuyện về số phận dòng sông Mẹ Mê Kông chưa hề có hồi kết. Dẫu trước sức ép từ phía dư luận và cộng đồng quốc tế, Chính phủ Lào đã buộc phải tạm thời trì hoãn dự án, ngồi đánh giá lại những tác động xuyên biên giới do việc xây đập gây ra nhưng Lào tuyên bố thẳng thừng rằng sẽ không dừng lại. Chính thái độ kiên quyết ấy khiến cho các nhà phát triển, nhà hoạt động môi trường cùng nhiều cộng đồng bị ảnh hưởng còn mãi nhấp nhổm không yên.

Riêng đối với những ngư dân mà tiếng nói của họ không được chính quyền coi trọng như Sutas Kom Sri thì điều duy nhất ông có thể làm là hàng ngày cầu nguyện, gửi gắm tình yêu vô bờ với dòng sông Mẹ qua thông điệp giản đơn mà đầy ý nghĩa: “Chúng tôi yêu sông Mê Kông và không bao giờ mong muốn bất kỳ con đập nào được xây lên để hủy hoại sông Mẹ của chúng tôi”…