Thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Phú Quốc và Kiên Lương

ThienNhien.Net – Vừa qua, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 99/2010/NĐCP ngày 24/9/2010 về chi trả dịch vụ môi trường rừng. Địa phương dự kiến sẽ thực hiện thí điểm tại huyện Phú Quốc và Kiên Lương trước khi áp dụng trên toàn địa bàn.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hiện còn hơn 92.320 ha, độ che phủ của rừng đạt 15,4%. Mặc dù thời gian qua chính quyền các địa phương, các vườn quốc gia và ban quản lý rừng đã có nhiều cố gắng để ổn định, nâng cao cuộc sống của người dân sống ở vùng rừng nhưng thu nhập của người làm nghề rừng vẫn còn thấp. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chặt phá cây rừng, lấn chiếm đất rừng như trong thời gian qua.

Thực hiện nghị định số 99 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Kiên Giang đã thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng đề án cụ thể để việc thực hiện được thuận lợi.

Theo đó, đối tượng được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng là chủ rừng của các khu rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài với các chủ rừng là tổ chức nhà nước.

Vườn Quốc gia U minh Thượng, Kiên Giang (Ảnh minh họa: sggp.org.vn)

Đối tượng và mức phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng là các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch với mức chi trả là 40đ/m3; các cơ sở sản xuất công nghiệp cơ sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước; các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng với mức chi trả tính bằng 1-2% trên doanh thu thực hiện theo kỳ.

Tổng kinh phí thực hiện đề án là 710 triệu đồng. Trước mắt thực hiện thí điểm ở huyện Phú Quốc và Kiên Lương. Sau một năm thực hiện sẽ có đánh giá rút kinh nghiệm để thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.

Mục tiêu của chính sách là nhằm góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá công tác bảo vệ và phát triển rừng, triển khai mạnh mẽ và triệt để công tác giao đất, giao và khoán quyền sử dụng rừng ổn định lâu dài cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư, tạo điều kiện để quản lý, bảo vệ và sử dụng tài nguyên rừng và tài nguyên đất lâm nghiệp hiệu quả hơn.