Được hưởng chế độ như thương binh nếu bị nạn khi tham gia bảo vệ rừng

ThienNhien.Net – Theo Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8/2/2012 về ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, người tham gia bảo vệ rừng, chữa cháy rừng bị tai nạn sẽ được xét công nhận chế độ như thương binh; trường hợp bị chết, được hỗ trợ mai táng phí và được xét công nhận chế độ như liệt sỹ.

Cụ thể, Nhà nước sẽ hỗ trợ cho người tham gia bảo vệ rừng, chữa cháy rừng bị tai nạn tiền khám, chữa bệnh theo chế độ hiện hành, hỗ trợ 100.000 đồng/ngày/người trong thời gian điều trị tại bệnh viện; được xét công nhận chế độ như thương binh; trường hợp bị chết sẽ được hỗ trợ tiền mai táng phí, được xét công nhận chế độ như liệt sỹ.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm để bảo đảm chi thường xuyên cho tổ chức quản lý bảo vệ rừng đối với diện tích rừng do UBND cấp xã trực tiếp quản lý; hỗ trợ kinh phí để xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; chi bồi dưỡng cho những người tham gia chữa cháy rừng với mức chi bằng ngày công lao động nghề rừng cao nhất ở địa phương…

(Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

Triển khai thí điểm và xây dựng chính sách đồng quản lý rừng

Ngoài chính sách về hỗ trợ kinh phí cho UBND cấp xã tổ chức bảo vệ rừng tại cơ sở, Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp triển khai thí điểm và xây dựng chính sách đồng quản lý rừng nhằm tạo cơ chế thu hút sự tham gia của cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân cư trú hợp pháp trên địa bàn cùng với Ban quản lý khu rừng đặc dụng, Ban quản lý khu rừng phòng hộ, doanh nghiệp nhà nước tham gia quản lý, bảo vệ, và phát triển rừng.

Chính sách được thực hiện trên cơ sở đảm bảo sự thỏa thuận trực tiếp và tự nguyện giữa chủ rừng, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân cư trú hợp pháp trên địa bàn rừng thông qua đại diện hợp pháp là Hội đồng quản lý.

Chủ rừng có diện tích từ 1.000 ha trở lên phải có lực lượng bảo vệ rừng

Liên quan tới chính sách đối với lực lượng bảo vệ rừng ở cơ sở, trong đó có chủ rừng, Quyết định nêu rõ, chủ rừng phải có trách nhiệm tổ chức bảo vệ rừng trên diện tích đã được Nhà nước giao, cho thuê theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Chủ rừng có diện tích từ 1.000 ha trở lên phải có lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.

Lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng được trang bị đồng phục và một số công cụ hỗ trợ; có quyền hạn, trách nhiệm tổ chức phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hành vi xâm hại rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng; được Nhà nước hỗ trợ đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý bảo vệ rừng.

Tăng cường đầu tư cho lực lượng kiểm lâm

Với chính sách nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách đối với công chức kiểm lâm; bố trí kế hoạch hàng năm về tổ chức, biên chế lực lượng kiểm lâm đến năm 2015 bình quân trong toàn quốc cứ 1.000 ha rừng có 01 biên chế kiểm lâm (giai đoạn 2011-2015 bổ sung khoảng 3.000 biên chế kiểm lâm).

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng tiếp tục đầu tư cho lực lượng kiểm lâm thông qua các dự án đào tạo nâng cao năng lực; đầu tư bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; tăng cường trang bị vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ cho kiểm lâm.

Giai đoạn 2011-2015, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho khoảng 8.000 lượt người thuộc lực lượng bảo vệ rừng cơ sở và lực lượng kiểm lâm; đầu tư phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ rừng (khoảng 1.000 tỷ đồng).

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 30/3/2012 và thay thế Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21/12/1998.