Mỗi phút có 23 ha đất bị suy thoái

ThienNhien.Net – Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị Liên hợp quốc (LHQ) về Chống sa mạc hóa, diễn ra tại Algeria ngày 16/12 vừa qua.  Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Thập niên chống  sa mạc hóa  (UNDDD) và Năm quốc tế về Rừng do Liên hiệp quốc phát động.

Mỗi năm Việt Nam mất gần 20 ha đất do bị cát lấn (Ảnh: Văn phòng Công ước chống sa mạc hoá - Bộ NN & PTPT)

“Các hệ sinh thái sa mạc tự nhiên có những giá trị riêng và cần được bảo tồn, tuy nhiên, tình trạng sa mạc hóa do hoạt động của con người gây ra cần được ngăn chặn. Hiện nay, tình trạng khô hạn và sa mạc hóa khiến mỗi phút có tới 23 ha đất bị suy thoái, ảnh hưởng đến các trọng tâm kinh tế, xã hội, môi trường; đe dọa trực tiếp đến mục tiêu phát triển bền vững của nhiều quốc gia”, Thư ký điều hành Công ước LHQ về Chống sa mạc hóa (UNCCD), ông Luc Gnacadja phát biểu tại hội nghị.Ông Luc cũng nhìn nhận rằng, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng đến mọi quốc gia. Tuy nhiên, đối tượng dễ bị tổn thương nhất là những người nghèo ở các vùng khô hạn hoặc bán khô hạn, đặc biệt là Châu Phi.

Dân số thế giới đã vượt ngưỡng 7 tỷ , trong khi đó sa mạc hóa, suy thoái đất lại đang làm giảm sản lượng lương thực, đe dọa “miếng ăn” của hàng trăm triệu người.

Hội nghị cũng khẳng định, bảo vệ rừng là chìa khóa để giải quyết suy thoái đất và đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Năm 2007, Đại hội đồng LHQ đã tuyên bố giai đoạn 2010-2020 là Thập kỷ chống sa mạc hóa (UNDDD). Mục tiêu cơ bản của chương trình này là nâng cao nhận thức của công chúng về mối đe dọa của tình trạng sa mạc hóa và suy thoái đất cũng như hướng dẫn các cộng đồng bị ảnh hưởng quản lý đất bền vững để xóa đói giảm nghèo.Công ước LHQ về Chống sa mạc hóa (UNCCD) được thông qua tại Paris vào ngày 17/06/1994 và có hiệu lực vào ngày 26/12/1996. Hiện tại đã có 193 quốc gia tham gia công ước.