Giải pháp cứu thị trường carbon của WB bị nghi ngờ

ThienNhien.Net – Trong khi thừa nhận những thách thức và tình trạng khó khăn của thị trường carbon trong báo cáo mới đây về tài chính khí hậu, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng hy vọng đạt được một giải pháp vực dậy thị trường này tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về khí hậu tại Durban (COP17). Tuy nhiên, các đề xuất mà WB đưa ra trong COP17 nhằm gỡ rối cho tình trạng này hiện đang bị đặt nhiều nghi vấn và chỉ trích.

Cách thức huy động tài chính cho thị trường carbon bị “ném đá”

Thừa nhận tình trạng khó khăn của các quỹ tài chính khí hậu và những thách thức mà thị trường carbon đang phải đối mặt, WB đã đưa ra hàng loạt giải pháp để cứu thị trường này bao gồm cả việc sử dụng nguồn tài chính công. Theo đó, WB khuyến khích các nước dành một phần cam kết tài chính khí hậu quốc tế để mua tín chỉ carbon – một giải pháp được đánh giá là cách WB chuyển tiền từ quỹ giảm nhẹ biến đổi khí hậu nhằm bảo lãnh cho các thị trường carbon.

Về đề xuất này, Murray Worthy thuộc World Development Movement, một tổ chức NGO của Anh đã bình luận: “Nguồn tài chính công có hạn không thể được sử dụng để cứu vớt thị trường carbon khi mà thị trường này chỉ tồn tại để giũ gánh nặng cắt giảm phát thải sang cho các nước nghèo hơn vốn không gây ra biến đổi khí hậu.”

Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả tham vọng của WB đối với việc thúc đẩy nguồn tài chính khí hậu. Theo nguồn tin từ Bretton Woods*, WB sẽ sử dụng cơ hội đàm phán tại COP17 để khởi động Sáng kiến Carbon cho Quỹ phát triển (Carbon Initiative for Development fund) nhằm cung cấp nguồn tài chính cho các dự án tạo ra nguồn tín chỉ carbon ở các nước chậm phát triển.

Ngân hàng cũng hy vọng tiếp tục vận động cho các thỏa ước quốc tế giúp duy trì thị trường các bon khi mà hy vọng về việc đạt được một Nghị định mới sau khi Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực vào năm 2012 tại Durban là hết sức mong manh. Bởi lẽ tương lai của Cơ chế phát triển sạch (CDM) được triển khai dưới Nghị định thư Kyoto cho phép các nước đạt mục tiêu về khí thải thông qua thị trường carbon.

Việc WB khởi động quỹ mới trong khi đã quản lý hơn 2,7 tỷ USD trong các quỹ carbon, đồng thời là nhà điều phối chính các khoản đầu tư carbon là bằng chứng cho thấy nỗ lực của thể chế tài chính này nhằm vực dậy thị trường carbon vốn đang ốm yếu.

Bình luận về điều này, Oscar Reyes thuộc tổ chức Carbon Trade Watch nói: “WB đang tiếp tục thúc đẩy thị trường carbon vốn đã thất bại trong việc giảm khí thải, đồng thời chuyển trách nhiệm giảm khí thải sang các nước đang phát triển.”

Ảnh minh họa (Bretton Woods)

Nguy cho khí hậu, rủi ro cho nông dân và tốt cho WB

Khi được hỏi về điều sẽ thúc đẩy sự thành công sắp tới của COP17, thì ngoài việc đề cập tới sự đóng góp của công nghệ, Quỹ Khí hậu Xanh, tài chính, chiến lược thích ứng và thị trường carbon, đặc phái viên về khí hậu của Ngân hàng thế giới, ông Andrew Steer, đã đề xuất đưa nông nghiệp vào cơ chế khí hậu thông qua thị trường carbon. Ý tưởng đưa carbon đất nông nghiệp vào thị trường carbon này cũng đã được WB đem ra vận động các nước G20 trước đó, vì theo họ, dù vô cùng quan trọng nhưng đến nay nông nghiệp vẫn nằm ngoài các thỏa thuận trong Công ước Khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC).

Theo Steer, có 3 lý do khiến nông nghiệp có thể chiếm vị trí quan trọng trong UNFCCC. Thứ nhất, nông nghiệp phát thải 14% khí nhà kính, chưa kể đến 6% khí phát thải từ hoạt động chuyển đổi đất rừng sang đất canh tác. Thứ hai, nông nghiệp cũng có thể là một nguồn hấp thu carbon lớn. Và cuối cùng, nông dân là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.

Nhờ thế, nông nghiệp có thể là một “cú hát-trích” đầy tiềm năng cho thế giới thông qua việc tăng cường sản lượng lương thực, giúp đỡ nông dân nghèo và tăng cường lưu trữ carbon.

Để chứng minh, Steer lấy dự án tại Kenya, được tài trợ thông qua thị trường carbon tự nguyện do Quỹ Carbon Sinh học của WB điều hành, làm ví dụ. Theo ông thì đây là dự án mà “lần đầu tiên trong lịch sử, những người nông dân nghèo nhận tiền mặt vì đã lưu trữ được hàng tấn carbon trên mảnh đất canh tác của mình”.

Tuy nhiên, kết luận từ một báo cáo mới của Viện Chính sách Nông nghiệp và Thương mại có trụ sở tại Hoa Kỳ (Institute for Agriculture and Trade Policy – IATP) lại chẳng hề lạc quan như điều mà Steer tin tưởng. Báo cáo Elusive Promises of Kenya Agricultural Carbon Project (Tạm dịch: Triển vọng mơ hồ của Dự án carbon nông nghiệp Kenya) đã nhận định rằng, mặc dù dự án có thể nâng cao năng suất, tuy nhiên “cách tiếp cận thị trường carbon là một cơ sở rất mong manh đối với tài chính khí hậu”, trong khi các lợi ích về mặt môi trường và xã hội là “chưa chắc chắn”.

Theo phân tích của IATP về phân bổ lợi ích thì, khoảng 2,5 triệu USD, nghĩa là 40% tổng vốn dành cho dự án, sẽ rơi vào túi nhiều bên trung gian trong cái gọi là “chi phí giao dịch”. Trong số còn lại thì người nông dân chỉ nhận được trung bình 1USD mỗi năm trong hơn 20 năm. Thậm chí, con số ảm đạm này có thể còn ít hơn nữa phụ thuộc vào cách tính toán “chi phí giao dịch” và nếu như giá carbon đề ra là 4USD/tấn không đạt được.

Bình luận về dự án này, trang web REDD-Monitor do nhà hoạt động môi trường Chris Lang quản trị, cho rằng dự án này là “nguy cho khí hậu, rủi ro cho nông dân và tốt cho WB”. Bởi lẽ, dự án sẽ tạo ra tín chỉ carbon cho phép người mua tiếp tục phát thải, đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu, biến những người nông dân châu Phi trở thành nạn nhân khi họ chỉ nhận được 60% những gì có thể được trả, trừ chi phí giao dịch của thị trường carbon, nghĩa là chưa đến 2 cent một tuần. Trong khi đó, lượng carbon được lưu trữ cũng như tác động môi trường, xã hội của những dự án như thế này là chưa chắc chắn.

Tuy nhiên, dù vô nghĩa về mặt khí hậu và kinh tế, đề xuất này được cho là vẫn có thể tốt cho WB trong việc duy trì “biên chế” của Quỹ Đối tác Carbon trong lâm nghiệp (Forest Carbon Patnership Facility-FCPF), đặc biệt khi Báo cáo thường niên năm 2010 của FCPF cho thấy chi phí WB dành để quản lý Ban thư ký FCPF và các quỹ từ 2009-2011 chiếm tới 34,9% tổng nguồn chi của Quỹ.

Những nhận định trên của IATP và REDD-Monitor cũng được Bản Báo cáo hồi tháng 9 của ActionAid ủng hộ. Báo cáo này đã chỉ trích các giả định của WB về carbon đất vì: “Sự thiếu vắng các bằng chứng khoa học về số lượng và tính xác thực của carbon trong đất, cũng như tính thiếu ổn định của nguồn carbon được lưu trữ”.

Cũng theo báo cáo này thì trong khi khả năng thị trường carbon đất có thể thu hút đầu tư tư nhân là rất ít, thì phần lớn nguồn thu có lẽ sẽ đi vào túi các nhà chuyên môn chứ không phải người nông dân.

ActionAid còn cảnh báo rằng điều này sẽ khiến những hộ nông dân nhỏ với quyền sở hữu đất đai truyền thống tổn thương vì bị tước đoạt đất khi các chính quyền thúc đẩy khai hoang.

Nghiêm trọng hơn, việc tập trung vào cácbon trong đất có thể làm xao nhãng những nhu cầu cấp bách hơn trong việc tìm kiếm nguồn tài chính công nhằm giải quyết vấn đề an ninh lương thực và thích ứng trong nông nghiệp, đặt các gánh nặng cắt giảm phát thải lên vai người nông dân sản xuất nhỏ ở các nước đang phát triển, đồng thời cho phép các nước phát triển trốn tránh nghĩa vụ cung cấp tài chính khí hậu công.

Trước rất nhiều ý kiến phản đối, chắc chắn WB sẽ còn rất nhiều việc phải làm để khẳng định mục tiêu của mình, và hơn cả là chứng minh được tính khả thi, hiệu quả và thiết thực của các giải pháp tài chính carbon mà mình đề xuất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.


*Mạng lưới chuyên giám sát tính minh bạch, trách nhiệm của Nhóm Ngân hàng Thế Giới

Bạch Dương