Cây cối “di cư” vì biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, hiện tượng nóng lên toàn cầu đã làm bùng nổ hàng loạt các cuộc tấn công của côn trùng, gây dịch bệnh cho cây rừng và khiến nạn cháy rừng bùng phát mạnh mẽ. Những thảm họa này một mặt đã tiêu diệt rất nhiều loài cây vốn tồn tại hàng trăm năm nay, mặt khác còn tạo điều kiện cho các loài mới di chuyển tới thế chỗ chúng. Và thông qua quá trình chọn lọc tự nhiên mới, cuộc “di cư” kỳ lạ của cây cối rõ ràng đang tái lập những cánh rừng có thể thích nghi với những thay đổi của khí hậu.

Tác động của sự nóng lên toàn cầu đối với đời sống thực vật đã được một nhóm nhà khoa học chỉ ra trong một báo cáo mới. Cũng theo báo cáo này thì rất nhiều loài cây đang mất đi tính cạnh tranh về môi trường và vì vậy mà để lại cơ hội cho những “kẻ mới đến” chiếm chỗ của chúng.

Các nhà nghiên cứu ở miền trung California tin rằng rất có thể trên 50% số loài cây hiện đang tồn tại trong tương lai sẽ không thể sống sót trước những tác động của biến đổi khí hậu. Một số loài phổ biến như thông hai kim Pinus contorta sau cùng rồi sẽ bị thay thế bởi những loài cây khác như thông Pinus ponderosa hay linh sam Douglas, thậm chí nhiều khu vực có thể sẽ không còn cây cối và biến thành sa mạc hay đồng cỏ.

Thông hai kim Pinus contorta (Ảnh: Earthtimes.org)

“Một vài trong số những thay đổi trên đang diễn ra khá nhanh chóng ở một số khu vực rộng lớn, cơ chế gây nên sự thay đổi khi thì là cháy rừng hay côn trùng tấn công, nhưng cũng có khi chỉ đơn giản là hạn hán. Và những cánh rừng tương lai sẽ khác so với bây giờ” – Giáo sư Richard Waring thuộc trường Đại học bang Oregon (Hoa Kỳ), tác giả chính của nghiên cứu, giải thích.

Ông cũng cho biết nhóm nghiên cứu không thể dự đoán chính xác loài nào sẽ bị tiêu diệt hay loài nào sẽ thế chỗ của chúng, song họ có thể nhìn thấy rõ khả năng và xu hướng này.

Theo cách lý giải của Giáo sư Waring, cây cối luôn phát triển ở những vùng cư trú tự nhiên vì chúng đã thích nghi và có khả năng sinh tồn cao nhất trong môi trường ấy. Tuy nhiên, chỉ cần môi trường thay đổi, các loài này sẽ dễ mất đi ưu thế cạnh tranh của mình và bắt đầu suy giảm hoặc thậm chí biến mất hoàn toàn.

Sau 4 năm khảo sát 15 loài cây lá kim phổ biến ở Tây Canada và Hoa Kỳ, công trình của nhóm nghiên cứu do Giáo sư Richard Waring đã sử dụng phương pháp cảm biến từ xa và tìm hiểu những tác động ở 34 vùng sinh thái (eco-region) khác nhau, trong đó có cả Cao nguyên Columbia, Cao nguyên Yukon, Đồng bằng sông Snake và Sierra Nevada.

Nhóm dự đoán đến năm 2080, nhiệt độ trung bình có thể tăng thêm 5 – 9oF khiến mưa nhiều hơn vào mùa đông, thời gian mưa ngắn và ít hơn vào mùa hè. Theo đó, sự sụt giảm số lượng lớn loài thông Pinus contorta và vân sam Englemann Picea engelmannii gần như là chắc chắn, còn những loài có khả năng thích nghi cao hơn sẽ tăng lên, đơn cử như cây độc cần tây Tsuga heterophylla.

Ngoài ra, nhóm cũng tiến hành dự đoán loài cây nào có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất trong một tương lai mà khả năng sẽ xảy ra nhiều biến động lớn về số loài ở cả hai đầu nam – bắc của khu vực, như ở British Columbia, Alberta, California.

Cũng theo khảo sát trên thì đang có hơn một nửa loài cây thường xanh bị suy giảm mạnh về sức cạnh tranh ở ít nhất 6 vùng sinh thái được nghiên cứu. Chính điều kiện khí hậu thay đổi đã làm gia tăng các cuộc tấn công của côn trùng và các đợt bùng phát dịch bệnh hại cây. Chưa hết, nhiệt độ tăng còn thúc đẩy gia tăng cháy rừng và những loài cây chịu hạn kém sẽ sớm phải đối mặt với một thách thức lớn dần.

Dẫu sao thì rõ ràng “các hệ sinh thái luôn luôn thay đổi ở cấp độ sinh cảnh, chỉ có điều thông thường tỷ lệ thay đổi diễn ra chậm đến mức loài người không chú ý”, Giáo sư Steven Running thuộc trường Đại học Montana, đồng tác giả nghiên cứu, khẳng định.

Còn Waring cho rằng rất khó lòng kiểm soát được những thay đổi của hệ sinh thái. Nếu xảy ra hạn hán hay các cuộc tấn công của côn trùng, có lẽ chúng ta phải phạt thưa các cánh rừng và loại bỏ một nửa số cây mới mong bảo vệ được số còn lại.

Các nhà nghiên cứu đã khuyến nghị rằng việc sử dụng “những hành lang liên kết” trong tương lai có thể là cách tiếp cận tốt nhất để cây cối có thể “di cư” một cách tự nhiên mà không gặp trở ngại từ những ranh giới nhân tạo.