ActionAid công bố Chiến lược quốc gia V

ThienNhien.Net – Đoàn kết và hành động vì công bằng và phát triển là phương châm định hướng toàn bộ hoạt động của Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) trong gần 20 năm qua, đồng thời cũng là mục tiêu chủ yếu của Chiến lược Quốc gia V giai đoạn 2012 – 2017 (CSP V) được AAV khẳng định ngay trong Lễ công bố Chiến lược Quốc gia V diễn ra chiều 23/11 tại Hà Nội.

Lễ công bố Chiến lược Quốc gia V giai đoạn 2012 – 2017 và giới thiệu hoạt động của Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam trong vòng gần 20 năm qua

Theo đó, thời gian tới, CSP V sẽ dành ưu tiên cho một loạt chương trình thúc đẩy các giải pháp sinh kế thay thế và nông nghiệp bền vững, nâng cao trách nhiệm giải trình và tình đoàn kết nhân dân nhằm thay đổi xã hội, tăng cường lực lượng lãnh đạo trẻ và sự tín nhiệm đối với xã hội dân sự, thúc đẩy công bằng trong tiếp cận giáo dục chất lượng cho trẻ em, ứng phó với tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu bằng các phương pháp lấy con người làm trung tâm, đồng thời xây dựng những giải pháp xã hội và chính trị cho phụ nữ và trẻ em gái.

Địa bàn hoạt động của tổ chức cũng có sự thay đổi so với trước đây, mặc dù chuyển trọng tâm hoạt động về các vùng đô thị nhưng AAV vẫn duy trì mối liên hệ, gắn bó với vùng nông thôn và miền núi.

Tại buổi lễ, ActionAid Việt Nam và đối tác của họ cũng nhìn lại những thành quả sau chặng đường gần 2 thập kỷ nỗ lực chống nghèo đói, giúp các cộng đồng Việt đạt được các mục tiêu giảm nghèo, hướng tới một thế giới không còn nghèo đói và bất công.

ActionAid là một trong số hơn 800 tổ chức phi chính phủ quốc tế hiện đang hoạt động tại Việt Nam. Suốt gần 20 năm hoạt động, ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) đã có những đóng góp đáng kể về nguồn lực và các phương pháp tiếp cận mới cho các chương trình giảm nghèo của Việt Nam, hỗ trợ các cộng đồng sống ở những vùng khó khăn nhất trên cả nước như Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Có chương trình phát triển dài hạn tại 19 vùng dự án thuộc 16 tỉnh và đô thị nghèo, thời gian qua, AAV không những cùng hoạt động và hỗ trợ 286.000 người nghèo và khó khăn (chủ yếu là phụ nữ), người dân tộc thiểu số đảm bảo được những quyền cơ bản của mình, mà còn kết hợp với các đối tác thúc đẩy trách nhiệm giải trình và đáp ứng của các cơ quan Chính phủ và các tổ chức phát triển khác đối với nhu cầu của người nghèo và yếm thế, không ngừng nỗ lực nâng cao tiếng nói và địa vị của người nghèo trong xã hội.