Ghi nhận loài chồn mới tại Vườn Quốc gia Cúc Phương

ThienNhien.Net – Sau nhiều năm nghiên cứu, nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Cúc Phương đã chính thức xác nhận cá thể chồn bạc má được tìm thấy tại Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) là loài mới, có tên khoa học Melogale cucphuongensis sp. nov. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí quốc tế chuyên ngành Der Zoologische Garten.

Xác cá thể chồn Melogale cucphuongensis sp. nov được phát hiện tại Cúc Phương vào năm 2006 (Ảnh: Elke Schwierz)

Thông qua phân tích đặc điểm xác của một cá thể chồn được đưa về Trung tâm Cứu hộ các loài linh trưởng nguy cấp vào tháng 1/2006, các chuyên gia đã xác định đây là một loài mới.

Cá thể này có đặc điểm kiểu hình giống với cá thể chồn bị thương nặng được các cán bộ kiểm lâm Cúc Phương phát hiện và đưa về Trung tâm gần một năm trước đó. Trong quá trình cứu hộ, các chuyên gia đã có những nghi ngờ khi phát hiện điểm khác biệt của cá thể này so với các loài thuộc chi Melogale đã được công bố. Song đáng tiếc, quá trình nghiên cứu bị đứt đoạn do con chồn bị chết và xác của nó không được giữ lại mà phải xử lý theo quy định hiện hành.

Loài mới có hình dáng hộp sọ và một số đặc điểm khác biệt so với các loài chồn đã được khoa học ghi nhận.

Một số đặc điểm nhận dạng của loài Melogale cucphuongensis sp. nov là phần đầu và thân có màu nâu đậm, vùng trán có lốm đốm chấm trắng, các sợi ria dài, từ cổ đến vai là một dải sọc trắng viền đen nổi bật. Lông bụng có màu nhạt hơn nhiều so với lưng.

Hiện tại, loài chồn này mới được ghi nhận có mặt ở Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình). Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đặt giả thiết chúng có vùng phân bố giống với chồn bạc má Bắc (M. moschata) và chồn bạc má Nam (M. personata).

Các loài chồn, chi Melogale, có vùng phân bố ở khu vực Đông Dương và các đảo Java, Bali, và Đông Bắc Borneo. Chúng tương đối giống nhau về kích thước và màu sắc. Trước thời điểm công bố loài mới, chi Melogale gồm 4 loài: M. personata (chồn bạc má Nam), M. moschata (chồn bạc má Bắc), M. orientalisM. everetti. Trong đó, hai loài chồn bạc má Bắc và chồn bạc má Nam có phân bố rộng hơn và có mặt ở Việt Nam. Loài chồn bạc má Nam có 5 phụ loài, còn chồn bạc má Bắc có 6 hoặc 7 phụ loài. Chúng có chút khác biệt về kích thước và màu lông. Tuy nhiên, đặc điểm nhận dạng rõ rệt nhất là sự khác biệt về răng, chòm lông ở thái dương và hình dạng xương dương vật. Mặc dù vậy, như các nhà khoa học cho biết, hiện có rất ít thông tin khoa học được lưu giữ về đặc điểm sinh học cũng như tập tính sinh thái của các loài chồn.