Bát nháo khai thác vàng ở Bắc Kạn (Kỳ 2)

Mật phục vàng tặc

ThienNhien.Net – Ma lực của vàng đã khiến những nương lúa màu mỡ bị băm nát, những cánh rừng gỗ nghiến bạt ngàn hàng trăm năm trở nên tàn tạ, những dòng sông – con suối trở nên đặc quánh, đục ngầu. Đồng bào Tày, Nùng, Dao… vốn sống hài hòa với tự nhiên, dựa vào những nương lúa, cánh rừng giờ cũng điên đảo trong cơn bão vàng.

“Ban đêm vào trong ấy phải dè chừng! Con dao của vàng tặc không ngán bất kì ai đâu!”- Lời cảnh báo của người cho chúng tôi thuê xe trước lúc vào Ngân Sơn khiến ai nấy ớn lạnh. Người chủ xe tốt bụng cũng tiết lộ phải làm gì để qua mắt những con “chim lợn” – chốt gác mà “vàng tặc” lập ra.

Cung đường của “chim lợn”

Đêm buông xuống rất nhanh. Xe của chúng tôi buộc phải bật cả đèn pha và đèn gầm vì sương mù bám dày đặc trên các vách đèo quanh co thuộc quốc lộ 279.

Đi được 8 km, còn 5 km đến xã Thuần Mang –một trọng điểm khai thác vàng trái phép của huyện Ngân Sơn, cảnh tượng trước mắt là hai chiếc lều rực sáng với hơn chục người lố nhố đứng cạnh những chiếc xe Minks. Thấy bóng xe lạ, hai thanh niên cạo đầu trọc bóng lập tức nổ máy bám theo.

Ánh đèn pin từ lều thứ nhất bấm tắt ba lần. Một người đứng tuổi bước ra từ căn lều thứ hai nghiêng ngó nhìn theo biển số xe chúng tôi rồi hớt hải bấm điện thoại.

Chiếc xe Minks bám rất sát bấm còi xin vượt. Thanh niên ngồi sau ghé sát đầu kính xe ô tô quan sát rồi vọt đi. “Lộ rồi! ‘Chim lợn’ đã phát hiện ra chúng ta là người lạ” – Người dẫn đường lo lắng chuyến mật phục vàng tặc dễ trở nên công cốc.

Quốc lộ 279 đoạn qua huyện Na Rì luôn có đội ngũ "chim lợn" theo sát các xe lạ đi qua đây. Ngay cả những chiếc xe chở máy xúc cũng giả vờ hỏi đường để tiếp cận người lạ. Ảnh: Trần Phong

Xe tiến sát địa phận xã Thuần Mang. “Không ai có thể ngờ vàng tặc phản ứng nhanh thế. Tất cả đã giải tán xong” – Một đồng nghiệp báo địa phương than. Toàn bộ 4 bãi vàng dọc đường 279 trên xã Thuần Mang đèn điện tắt phụt. Tất cả im ắng. Hơn một chục một máy xúc và máy cuốc vàng đều đã được đánh ra xa khỏi bãi. Đến một bóng người cũng không thấy đâu.

“Có lẽ chúng ta đã bị lộ ngay từ khi vào địa phận Ngân Sơn. Ở đây, cứ 3km có một chốt của “chim lợn”. Bọn bưởng vảng tổ chức cực kì chặt chẽ và tinh vi không dễ qua mặt đâu”- Người đồng nghiệp này nói. Chúng tôi chuyển phương án 2, đến huyện Na Rì và quyết định quay trở lại “đánh úp” lúc nửa đêm.

Xe chạy rát rạt trên đèo Khau Pi, địa phận giáp ranh giữa Ngân Sơn và Na Rì. Khi đổ dốc đèo 9km, ngay mũi xe là con xe cẩu đang chở máy xúc vàng mang biển số 97K- 001.65 bò rất chậm trên mặt đường. Chờ đổ đèo xong, tài xế xe cẩu bất chợt dừng lại chặn đứng đầu xe. Người này nhảy xuống đi vòng quanh xe dò xét : “Các anh có thấy hai thằng xe máy đi sát đầu vừa rồi không?” Không cần câu trả lời, tài xế này quay trở lại xe đánh xe “đì” xe chúng tôi không vượt lên được. Đến hết địa phận xã Lương Thành – một địa điểm khai thác vàng lớn của huyện Na Rì mới cho vượt. Các bãi vàng Lương Thành cũng bất ngờ yên ắng lạ thường.

“Chính vì tổ chức các chốt gác cực kì chặt chẽ, chỉ cần thấy động và người lạ vào là rút ngay nên cơ quan chức năng của tỉnh, huyện, xã cũng bị các bưởng vàng qua mặt. Thậm chí thông tin đi kiểm tra giờ nào, ngày nào cũng bị “chim lợn” của các bưởng vàng biết trước” – ông Đào Việt Hưng, chủ tịch UBND xã Thuần Mang ngao ngán nói khi chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện quản lý khai thác vàng ở đây.

Ông Đào Việt Hưng, Chủ tịch UBND xã Thuần Mang "Vàng tặc chủ yếu hoạt động về đêm hoặc các ngày nghỉ".

Mật phục trong đêm

1h đêm ngày 9/11, chúng tôi quay ngược trở lại từ phía Na Rì ra Ngân Sơn. Qua cầu Vằng Đen, địa phận giáp ranh giữa hai xã Lạng San và Lương Thành (huyện Na Rì) thì sự im ắng đã không còn. Dòng sông Bắc Giang bị chặn đứng nơi đây bởi một “công trường vàng” đang ầm ầm khai thác.

Dò dẫm từng bước chân, men theo bờ dốc trơn trượt và nhiều hố sâu, chúng tôi cố tiếp cận công trường này từ khoảng cách gần nhất. Để khỏi lộ, chúng tôi buộc phải ép sát người vào những bụi cây dại, gai góc mọc ngang lưng. Phía dưới lòng sông, cả một khu đất rộng hàng ngàn m2, 6 chiếc máy xúc công suất lớn đang ngoạm dần những mảng đất lớn và đảo qua những chiếc sàng vàng. Khoảng một chục người chia làm 3 tốp hì hục đào, đãi dưới sự chỉ huy của một tay cai.

Mải di chuyển tìm một góc ảnh đẹp, cành củi khô chợt kêu “rắc” dưới chân. Ngay lập tức đèn điện ở hai lều chính dựng sát bờ sông dành cho những người đào đãi vụt tắt. Ánh đèn không tắt hẳn mà chớp hai lần. Sau ám hiệu, tiếng máy xúc và tiếng sàng vàng cũng im luôn. Chạy nhanh lên bờ là kẻ tay cầm đèn pin lấp loáng cùng những tiếng tri hô. Chúng tôi nằm im nín thở. Chừng nửa tiếng không phát hiện được gì, tay cai lại bấm đèn ra lệnh. Những chiếc máy xúc lại ngoạm từng mảng đất lớn. Lại đào, lại đãi vang cả một khúc sông.

Máy xúc của khai thác vàng cả ngày lẫn đêm trên sông Bắc Giang đoạn qua xã Lạng San (Na Rì - Bắc Kạn). Ảnh: Trần Phong

Khi di chuyển tiếp về phía xã Thuần Mang của huyện Ngân Sơn, cảnh tượng diễn ra còn ngang nhiên hơn. Chỉ cách trụ sở UBND xã Thuần Mang chưa đầy 2km, 4 địa điểm khai thác vàng Nà Thia, Tẩu Bản, Nà Looc, Xăng Có ngay sát quốc lộ 279 đều sáng trưng ánh đèn. Tiếng máy xúc và máy cuốc vàng ầm ầm không ngừng nghỉ. Đất đá được sàng lọc bởi những máy bơm nước công suất lớn đặt ngay cạnh sang vàng. Từng tốp người cả đàn ông, phụ nữ thay nhau đào đãi. Họ dừng chốc lát, có lẽ để ăn đêm, rồi đào tiếp.

Theo ông Đào Việt Hưng, chủ tịch UBND xã Thuần Mang, cả 4 địa điểm khai thác trên đều không được cấp phép. “Vàng tặc tự đưa máy móc vào và khai thác trộm vào ban đêm nên rất khó điều tra và xử lý. Hơn nữa, lực lượng tuần tra của địa phương mỏng và không được trang bị vũ khí nên rất nguy hiểm khi bị chống trả. Mặt khác, do các bưởng vàng bố trí những trạm canh dày đặc khiến thông tin đi kiểm tra thường xuyên bị lộ nên khi đến hiện trường thì toàn bộ tang vật đã được tẩu tán” – ông Hưng nói.

Đến tận 4h30 sáng, khi nhiều bản làng của hai huyện Ngân Sơn, Na Rì bắt đầu nổi lửa, thì những bãi vàng khai thác trái phép mới thực sự ngưng nghỉ. Theo ông Trần Đình Thất, chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn, thì những chủ khai thác vàng chỉ khai thác vào ban đêm để dễ trốn chạy và đối phó với các lực lượng chức năng còn ban ngày thì hoàn toàn im ắng.