Sai phạm trong tái định cư thủy điện

ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, việc tái định cư tại các công trình thủy điện đã bộc lộ nhiều sai sót nghiên trọng, gây bức xúc cho người dân. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tái định cư thủy điện Hủa Na (Nghệ An) và Sêrêpốk 3 (Đắc Lắc) cũng không phải là ngoại lệ.

Để dân tái định cư “sống chết mặc bay”

Công trình thủy điện Hủa Na đang gặp khó khăn về di dân, tái định cư (Ảnh: Cổng TTĐT Nghệ An)

Công trình thủy điện Hủa Na (nằm trên địa bàn 2 xã Đồng Văn, Thông Thụ, huyện Quế Phong, Nghệ An) được khởi công từ tháng 1/2008, xây dựng trên tổng diện tích 2.412 ha, trong đó diện tích đất ngập vùng lòng hồ là 2.042 ha với công suất thiết kế 180 MW, khi đưa vào vận hành sẽ cung cấp khoảng 721,7 triệu kWh/năm.

Hiện nay tiến độ thi công các hạng mục công trình chính dự án thủy điện Hủa Na đã bám sát tiến độ đề ra, phấn đấu hoàn thành đưa vào phát điện quý IV/2012. Tuy nhiên, dự án đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư (TĐC), bởi mới di chuyển được 7,14% (100/1.400 hộ) hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng lòng hồ.

Theo báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 14/11/2011, đa số dân không chịu rời bản vì mức đền bù quá thấp. Giá đền bù cây trồng, hoa màu năm 2011 chỉ bằng ½ năm 2010, thậm chí tiền đền bù đất rừng sản xuất các bản lòng hồ xã Đồng Văn chỉ là 500 đồng/m2, tương đương nửa điếu thuốc…

Một số hộ đã chịu di chuyển đến khu TĐC thì cuộc sống hết sức bấp bênh, hết ăn rồi lại chơi vì thiếu việc làm, không có đất sản xuất. Trong 16 khu TĐC chỉ mới có điểm Piềng Cu (xã Tiền Phong) đã đưa vào sử dụng. Còn lại đang trong quá trình xây dựng san nền nhà, hệ thống đường, điện….

103 hộ sinh sống ở khu TĐC Piềng Cu đến nay hiện không biết làm gì để sống vì không có đất sản xuất, không có chỗ xây dựng chuồng trại. Cuộc sống trông cả vào số gạo được hỗ trợ hàng tháng. Ngoài việc chưa có đất để sản xuất đến nay người dân vẫn phải chịu cảnh thiếu nước sainh hoạt. Hiện khu TĐC Piềng Cu mới chỉ đào được 2 giếng nước nhưng vẫn chưa sử dụng được. NGười dân đang phải dùng nước từ khe suối bị ô nhiễm trầm trọng.

Bị thu 7 ha đất nhưng không được bố trí 1 m2 tái định canh

Đó là câu chuyện của bà Thái Thị Xuân Lan ở tổ 4, khối 7, phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) khi ở trong diện giải phóng mặt bằng xây dựng Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 3.

Theo báo Nhân Dân ngày 13/11/2011, bà Lan không hề nhận được bất cứ thông báo hay quyết định gì về việc thu hồi đất. Trong khi đó, có những hộ chỉ có vài trăm m2 đất bị thu hồi lại được bố trí tới 2ha đất tái định canh, hộ không đủ điều kiện cũng được bố trí tái định cư…

Ngoài ra, Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng (HÐBT, GPMB)cũng có những việc làm tùy tiện, vô nguyên tắc và có dấu hiệu bất minh như không gửi những văn bản, giấy tờ có liên quan đến việc thu hồi đất đến từng hộ dân có đất bị thu hồi. Đất lâm nghiệp, chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng HÐBT, HTGPMB đã tiến hành chia cho dân tái định canh.

Trong quá trình triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng công trình Thủy điện Sêrêpốk 3, HĐBT, HTGPMB đã thiếu minh bạch trong việc kiểm tra thực địa, xác định hiện trạng đất. Theo thống kê sơ bộ, có ít nhất hơn 100 trường hợp HĐBT, HTGPMB kiểm kê xác định hiện trạng không đúng, thiếu chính xác, thiếu khách quan. Tình trạng người dân kê khống, khai gian cây trồng, HĐBT, HTGPMB vẫn vô tư áp giá đền bù trái quy định, gây thất thoát của Nhà nước hàng tỷ đồng.

Rõ ràng, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần quyết liệt vào cuộc để trả lại lợi ích chính đáng cho người dân.