Báo cáo tư vấn về đập Xayaburi bị chỉ trích

ThienNhien.Net – Đáp lại quan ngại của các nước láng giềng hạ lưu trước tác động sâu rộng của đập dòng chính Xayaburi và đề xuất nghiên cứu đánh giá thêm về dự án này, ngày 5/5/2011, chính phủ Lào đã ký hợp đồng tư vấn với công ty Poyry Enerergy AG để đơn vị này thực hiện Báo cáo tuân thủ đối với dự án. Tuy nhiên, những đánh giá và đề xuất từ báo cáo của công ty Poyry dường như chưa đủ để khỏa lấp mối lo ngại của các bên liên quan, thể hiện phần nào qua rất nhiều ý kiến phản đối bản báo cáo này.

Theo hợp đồng tư vấn, Công ty Poyry có nhiệm vụ đánh giá xem Chính phủ Lào và chủ đầu tư dự án Xayaburi đã tuân thủ và đáp ứng thủ tục Hướng dẫn Thiết kế của MRC chưa; đã xem xét ý kiến phản hồi của các quốc gia thành viên MRC trong quá trình tham vấn chưa; và đã thoả mãn yêu cầu của Báo cáo Đánh giá tham vấn trước về dự án của MRC chưa. Tuy nhiên, những phản biện của nhóm chuyên gia Mê Kông thuộc Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) về Báo cáo tuân thủ cho thấy công ty Poyry đã chưa làm tròn nhiệm vụ của mình, thể hiện qua một bản báo cáo “kém chất lượng” với rất nhiều thiếu sót trong đánh giá.

Khoan chưa đề cập tới chất lượng báo cáo, theo VRN, việc Lào đơn phương thuê một công ty tư vấn mà không thông qua MRC và các nước thành viên cho thấy bản báo cáo này chỉ mang tính chất tham khảo, không có giá trị chính thống vì chưa được MRC và các quốc gia thành viên chấp thuận về phương pháp tiếp cận vấn đề.

Cụ thể, liên quan tới thủ tục Hướng dẫn thiết kế của MRC (PDG), báo cáo của VRN đánh giá: “Kết luận từ Báo cáo Tuân thủ của Pöyry là không rõ ràng, có những sai lệch và chồng chéo, làm lu mờ sự thật rằng dự án Xayaburi không tuân theo PDG của MRC…” Theo đó, nhận xét của Poyry cho rằng “dự án đập thủy điện Xayaburi được thiết kế về nguyên tắc đã tuân thủ trong áp dụng Hướng dẫn Thiết kế của MRC” là “khá mập mờ”, thể hiện qua việc sử dụng cụm từ “về nguyên tắc” đối với một nghiên cứu kỹ thuật.

Nhận định này của VRN trước đó cũng đã được Mạng lưới Luật Mê Kông (MLN) chia sẻ khi vạch ra rằng, một trong những yêu cầu quan trọng của PDG mà nhà phát triển dự án Xayaburi đã phớt lờ là thành lập một Ủy ban đánh giá an toàn đập độc lập để giám sát quá trình thăm dò, thiết kế, xây dựng và vận hành đập.

Xayaburi
Địa điểm dự kiến xây dựng thủy điện Xayaburi tại Lào. Ảnh: International Rivers.

Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia VRN, đề xuất nghiên cứu các tác động xuyên biên giới của đập từ ba nước hạ nguồn Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đối với chính phủ Lào và nhà đầu tư dự án đã không được Báo cáo của Poyry đả động tới: “Mặc dù báo cáo Poyry có sử dụng thuật ngữ khác về đánh giá tác động tích luỹ nhưng điều này cũng không phản ánh rõ ràng, thậm chí che lấp yêu cầu phải có Báo cáo tác động môi trường xuyên biên giới (TIA); chưa kể Poyry khuyến cáo đẩy trách nhiệm này cho chính phủ Lào và chính phủ các nước ven sông chứ không phải là nhà đầu tư”.

Không ngạc nhiên khi Poyry được chọn để rà soát đập Xayaburi bởi vì họ đã có lịch sử lâu dài về những “phi vụ” tinh ranh để cho nhiều con đập tai hại được triển khai trong vùng Mê Kông”.(Pianporn Deetes, Tổ chức Sông ngòi Quốc tế).

Ngoài ra, phân tích của nhóm chuyên gia VRN cũng chỉ ra nhiều điểm trái ngược trong kết luận báo cáo của công ty Poyry so với Báo cáo Đánh giá tham vấn trước của MRC liên quan đến tổn thất nguồn thủy sản, cầu thang cá, dòng chảy và phù sa. Theo đó, các đề xuất cải tiến mà báo cáo Poyry đưa ra được cho là chưa đủ để khỏa lấp các lỗ hổng về thiết kế và đáp ứng thỏa đáng yêu cầu giảm thiểu tác động.

Đáng quan ngại hơn, một số biện pháp thích ứng kỹ thuật mà Poyry khuyến cáo trong báo cáo được các chuyên gia VRN đánh giá là nhằm đặt Việt Nam, Campuchia vào “tình thế đã rồi” khi giải pháp cải tiến được đề xuất thực hiện trong quá trình xây dựng dự án thay vì triển khai trước quá trình này.

Đặc biệt, bản báo cáo của công ty Poyry cho rằng Lào đã hoàn tất quá trình Thông báo, tham vấn và đồng thuận trước (PNPCA) và rằng các tác động xuyên biên giới tới khu vực hạ nguồn là không đáng kể nếu các khuyến nghị về thay đổi thiết kế được áp dụng. Điều đáng nói là có vẻ như chính phủ Lào cũng đang ngả theo nhận định này, khi mới đây Tổng giám đốc Cục Điện lực Lào, ông Viraphosnh Viravong, tuyên bố rằng với nhận định của một “cơ quan kỹ thuật độc lập nổi tiếng trên thế giới” như Poyry, thì Lào chẳng có lý do gì mà không tiếp tục triển khai dự án này và bày tỏ mong muốn tiến hành xây dựng Xayaburi vào cuối năm nay.

Nếu quả thực như vậy, thì cuộc họp cấp bộ trưởng các nước thành viên MRC dự kiến sắp tới nhằm quyết định số phận dự án Xayaburi phải chăng là vô nghĩa và đó cũng là lý do mà hoạt động xây đập Xayaburi vẫn đang được rục rịch xúc tiến?

Bạch Dương