Chương trình bảo tồn có đóng góp lớn của… thợ săn

ThienNhien.Net – Chương trình bảo tồn động vật hoang dã lớn nhất và có lẽ là thành công nhất thế giới mang tên Phục hồi Động vật hoang dã Liên bang Mỹ được hỗ trợ bằng nguồn tài chính của chính các thợ săn nước này.

Hơn 70 năm qua, các thợ săn trên khắp nước Mỹ đã đóng góp hơn 6,8 tỷ USD cho các nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã của quốc gia này. Chỉ tính riêng thợ săn bang Georgia từ năm 1939 đã góp hơn 145 triệu USD cho hoạt động bảo tồn tại đây.

Thợ săn Mỹ đóng góp những khoản tài chính lớn cho hoạt động bảo tồn động vật hoang dã tại nước này (Ảnh: Adventure.howstuffworks.com)

“Chương trình Phục hồi Động vật hoang dã đã mang lại lợi ích cho tất cả các loài, giúp bảo tồn và khôi phục nơi cư trú, đồng thời tăng cường nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã nhờ hoạt động nghiên cứu. Thông qua chương trình, các thợ săn Hoa Kỳ đã cung cấp nguồn hỗ trợ tài chính đáng kể cho công tác bảo tồn và quản lý động vật hoang dã” – Alex Coley, một điều phối viên Quỹ Viện trợ Liên Bang đồng thời là phó trưởng Ban Tài nguyên Động vật hoang dã, cho hay.

Được biết, Chương trình ra đời năm 1937 thông qua Đạo luật Pittman-Robertson. Bằng những nỗ lực vận động hành lang của các thợ săn Mỹ tại Nghị viện, đạo luật này đã được thiết lập như một cách để họ đóng góp cho hoạt động bảo tồn, quản lý động vật hoang dã.

Các quỹ Phục hồi Động vật hoang dã được hình thành từ các loại thuế đối với súng ống, đạn dược và cung tên. Đối tượng mà các loại thuế này đánh vào là các nhà sản xuất và nơi thu thuế là chính phủ Liên bang. Nguồn thuế thu được sau đó sẽ phân phối tới tay những cơ quan trung gian có hoạt động liên quan đến động vật hoang dã của từng bang để đầu tư cho các chương trình bảo tồn và quản lý động vật. Tổng số tiền hàng năm mỗi cơ quan trung gian của bang nhận được phụ thuộc vào số lượng giấy phép săn bắn và diện tích của toàn bang.

Quỹ Phục hồi Động vật hoang dã được sử dụng cho nhiều chương trình khác nhau, bao gồm khôi phục nơi cư trú và cải thiện số lượng quần thể động vật hoang dã, triển khai nghiên cứu, kiểm soát các quần thể, quản lý hiệu quả hơn 404.685ha diện tích bảo tồn động vật hoang dã, đồng thời cung cấp những cơ hội tiêu khiển, tuyên truyền cho các chủ sở hữu đất về cách thức quản lý đất đai phù hợp với điều kiện sinh sống của các loài động vật khác nhau, tổ chức các chương trình giáo dục dành cho thợ săn, xây dựng và duy trì các khu săn bắn.