Chuyện “nhặt” ở Khu bảo tồn Loài và sinh cảnh Mù Cang Chải (Kỳ 1)

ThienNhien.Net – Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Mù Cang Chải (KBT Mù Cang Chải) nằm trên địa bàn các xã Chế Tạo, Púng Luông, Nậm Khắt, Lao Chải, Dế Su Phình (Mù Cang Chải – Yên Bái) là nơi có đa dạng sinh học bậc nhất ở vùng Tây Bắc. Thế nhưng từ khi thành lập đến nay, KBT luôn đứng trước những nguy cơ tàn phá bởi con người.

Kỳ 1:  Nhớ về đại ngàn pơ mu cổ thụ

Thật khó hình dung được nơi các thôn bản người dân đang sinh sống, những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ đã được Nhà nước công nhận danh thắng quốc gia ,hay bạt ngàn rừng thông ngày nay… trước đây từng là một đại ngàn pơ mu cổ thụ, nhưng giờ chỉ còn trong ký ức của một số người.

Ký ức những khu rừng già

Trên đường từ thành phố Yên Bái đến huyện Mù Cang Chải, thi thoảng xuất hiện những bản làng chỉ lợp nhà tuyền bằng gỗ pơ mu. Những thôn bản như vậy càng nhiều hơn khi chúng tôi đặt chân lên đất Mù Cang Chải.

Ở thị trấn Mù Cang Chải, chúng tôi được một người đàn ông tên Tiến chuyên len lỏi vào khắp các thôn bản ở Mù Cang Chải sửa chữa đồ điện tử cho bà con cho biết: “Cách đây mấy năm gần như 100% nhà của bà con được dựng bằng gỗ pơ mu, mái cũng là gỗ pơ mu, ngay cả chuồng lợn, chuồng gà, các vật dụng trong nhà hầu hết cũng bằng gỗ pơ mu đấy. Những năm gần đây, một phần nhờ Nhà nước đầu tư, phần vì gỗ pơ mu không còn nhiều như trước nữa nên một số hộ gia đình chuyển sang lợp nhà bằng tấm bờ lô xi măng”.

Không chỉ ông Tiến mà cả mấy anh chạy xe ôm ở trung tâm huyện hay chở khách du lịch vào các thôn bản cũng hào hứng bảo, ở huyện này nhà lợp gỗ pơ mu đã thành truyền thống từ xưa. Đường đi lối lại ở Mù Căng Chải vô cùng khó khăn, cứ như phỏng đoán của tôi thì bà con chỉ có thể khai thác pơ mu tại chỗ, chứ chẳng thể chở về từ nơi khác. Để lợp được kín mỗi mái nhà rộng cả trăm mét vuông cần đến thân pơ mu to vài người ôm. Nghĩa là nơi đây đã từng có một vựa pơ mu khá lớn.

Người dân quanh khu BTTN Mù Cang Chải tuy nghèo đói nhưng biết "xài sang", mái nhà lợp bằng gỗ Pơmu quý hiếm

Do trời mưa không thể thuê xe vào xã Chế Tạo, nơi nghe đồn rằng có những ngôi nhà pơ mu tuyệt đẹp, chúng tôi đành nhờ các tay xe ôm lái xe điêu luyện chở đến một số xã vùng đệm khác của KBT Mù Cang Chải để được chứng kiến tận mắt sự hoang sơ cổ kính của những ngôi nhà pơ mu ấy.

Trên đường vào bản, ông Hờ A Chư, 47 tuổi, người dân tộc Mông ở xã Nậm Khắt chỉ tay về cánh rừng thông bạt ngàn đã đến độ thu hoạch kể rằng: “Cách nay khoảng 20 năm, khi tôi còn là thanh niên, suốt ngày sống ở trong rừng để chặt pơ mu thôi. Hồi ấy gỗ pơ mu to và nhiều lắm, cả bản vào rừng lấy gỗ. Nhưng nay chỉ còn một ít thì Nhà nước đã bảo vệ rồi”.

Qua trò chuyện với các cụ cao niên ở xã Nậm Khắt, chúng tôi được biết, rừng pơ mu bị tàn sát nhiều nhất là vào những năm nhà nước mới mở cửa rừng, pơ mu trong rừng nhiều tới mức người dân muốn làm nhà chỗ nào thì chặt cây dựng nhà ngay chỗ đó, chỉ cần xẻ vài cây là đủ một nếp nhà. Nhưng đó là câu chuyện của ngày xưa, nay để nhìn thấy pơ mu phải đi cả ngày đường, may thì được chứng kiến gốc cổ thụ xưa còn sót lại.

Vượt qua hàng chục cây số, đi qua rất nhiều thôn bản của các xã Púng Luông, Nậm Khắt, Dế Su Phình. Trước mắt chúng tôi không còn thấy bóng dáng của những thân gỗ pơ mu nữa, thay vào đó là những bản của người Mông, rừng thông của lâm trường và các ngọn núi trọc trơ.

Nếu không được nghe các cụ cao niên kể lại, không được chứng kiến tận mắt thì đối với bất kỳ ai khi đặt chân đến đây cũng không thể nào hình dung ra được cả Mù Cang Chải rộng trên 120 nghìn ha trước đây là một đại ngàn pơ mu cổ thụ. Nhiều người già nay vẫn lưu giữ cho mình những ký ức về cánh rừng già pơ mu.

Bị tàn phá như vậy nhưng nay những cánh rừng còn pơ mu sót lại cũng vẫn bị săn lùng ráo riết. Không ít người khi chúng tôi tiếp xúc tỏ ra lo ngại, chẳng bao lâu nữa gỗ pơ mu trong vùng lõi của KBT Mù Cang Chải sẽ chẳng còn.

Bảo tồn những gì còn sót lại

Huyện Mù Cang Chải có tổng diện tích tự nhiên 120.195,46ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm 51.136,46ha, rừng trồng là 16.756,78ha, còn lại là đất trống quy hoạch cho lâm nghiệp, độ che phủ rừng của toàn huyện là 53,8%.

Với mục tiêu bảo tồn, phục hồi quần thể và hệ sinh thái của Vượn đen, các loài động thực vật quý hiếm ở Mù Cang Chải, góp phần duy trì và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn thuỷ điện sông Đà và nâng cao đời sống nhân dân thông qua các chương trình phát triển kinh tế vùng đệm và sử dụng hợp lý, bền vững nguồn lợi tự nhiên, KBT Mù Cang Chải đã được thành lập theo Quyết định số 513/QĐ – UB ngày 16 tháng 10 năm 2006 của UBND tỉnh Yên Bái.

KBT Mù Cang Chải có diện tích rộng trên 20.108,2ha, trải rộng trên địa bàn của 5 xã, trong đó có xã Chế Tạo nằm trong vùng lõi, vùng đệm trải rộng trên các xã Púng Luông, Nậm Khắt, Lao Chải và Dế Su Phình. Kết quả điều tra đánh giá trước khi thành lập KBT của tổ chức Bảo tồn Động thực vật hoang dã thế giới (FFI) cho thấy KBT gồm có 788 loài thực vật, 241 loài động vật, đáng chú ý hơn là trong đó có 42 loài động vật ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam và có 4 loài quí hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng là Vượn đen, Voọc xám, Niệc cổ hung và Gà lôi tía.

Nằm trên nóc nhà Đông Dương hùng vĩ Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, hầu hết diện tích trong KBT tồn nằm ở độ cao từ 1.700m – 2.500m là nơi phát triển chủ yếu của những loại cây họ thông như pơ mu – một trong những loại cây đang được một số nơi khai thác cả thân lẫn rễ. Rừng đặc dụng Mù Cang Chải ngoài là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật quý hiếm còn góp phần quan trọng vào duy trì và phát triển rừng đầu nguồn của thủy điện sông Đà. Trong KBT có trên 2.665 hộ dân với hơn 17.236 nhân khẩu, vì phụ thuộc nhiều vào tài nguyên rừng nên cuộc sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn.