Cấp bách xây dựng quy hoạch chống ngập tại Cần Thơ

ThienNhien.Net – TP Cần Thơ đang đứng trước thách thức ngày càng nghiêm trọng từ tình trạng ngập úng thuộc diện nặng nhất cả nước do triều cường kết hợp mưa và nước biển dâng. Chiều 10/8, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã họp với các Bộ ngành liên quan xem xét, chỉ đạo các phương án cấp bách xây dựng quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho TP. Cần Thơ – địa phương đang vươn lên phát triển mạnh mẽ thành trung tâm khu vực ĐBSCL.

Biên độ triều cường lớn trong khi vị trí đất thấp là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng ngập úng đang ngày càng nghiêm trọng ở Cần Thơ. Theo thống kê, vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 11, khoảng 50% diện tích TP thường xuyên ngập úng khi có triều cường kết hợp với mưa, thời gian ngập úng kéo dài từ 2 đến 6 tháng, trung bình từ 0,3-1,5m.

Trong nội đô, hầu hết các quận đều ngập với hàng trăm điểm có triều cường, đặc biệt khi kết hợp với mưa. Trong đó, nghiêm trọng nhất là quận Ninh Kiều với nhiều điểm ngập kéo dài 2-3 giờ, nhiều nơi ngập trên 40cm.

Hiện nay, hệ thống tiêu thoát nước TP chưa hoàn chỉnh và còn nhiều hạn chế, mới chỉ đáp ứng khoảng 50% thiết kế. Sau khi trở thành TP trực thuộc Trung ương, việc đô thị hóa mạnh mẽ, vận hành chưa hợp lý hệ thống kênh, rạch, các công trình thủy lợi ở Cần Thơ càng làm cho tình hình chống ngập úng ở đây khó khăn.

Theo nghiên cứu bước đầu từ Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, để giải quyết ngập úng cho TP. Cần Thơ, cần cấp thiết áp dụng tổng hợp các biện pháp công trình và phi công trình, kết hợp xây dựng, cải tạo cống, van, đê bao ngăn triều, nạo vét kênh tiêu, các khu trữ nước, xây dựng quy trình quản lý vận hành hợp lý,…

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, đây là loại quy hoạch hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu mà Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo Phó Thủ tướng, quá trình xây dựng quy hoạch, cần lưu ý tính toán, phân tích kỹ về 3 nguyên nhân gây úng ngập ở Cần Thơ, gồm lượng mưa, cường độ và tần suất lũ trong khu vực, kịch bản nước biển dâng và triều cường, từ đó đưa ra trúng mục tiêu cần ưu tiên tập trung giải quyết.

Dự thảo quy hoạch cần tham khảo, đồng bộ hóa, kết hợp chặt chẽ với các quy hoạch, quá trình xây dựng, đô thị hóa, vấn đề sử dụng nước, yêu cầu phát triển nông nghiệp… của cả khu vực ĐBSCL cũng như riêng Cần Thơ.

Bên cạnh đó, cần tính toán nguồn lực, vốn đảm bảo tính khả thi của quy hoạch.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo rà soát dự thảo, hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường, lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan, đảm bảo các căn cứ cần thiết để sớm ban hành quy hoạch, các giải pháp chống úng ngập cho Cần Thơ.