Biến tướng dự án trồng cao su trên đất rừng nghèo

N
Nhiều cây gỗ có đường kính lớn chưa được vận chuyển trong quá trình cải tạo rừng nghèo kiệt. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

ThienNhien.Net – Nhằm mục đích cải tạo rừng nghèo kiệt để lấy qũy đất trồng cây cao su, song sau một thời gian thực thi, 253 ha rừng tự nhiên đã bị phá, rất nhiều diện tích đã chuyển sang trồng sắn, mía và bỏ hoang.

Được biết, năm 2009, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định phê duyệt kết quả rà soát, bổ sung quy hoạch trồng cao su đến năm 2015 và Bộ NN- PTNT có thông tư 58 hướng dẫn việc trồng cao su trên đất lâm nghiệp.

Theo phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam 8/8/2011, ngay sau khi có các văn bản trên, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã ký 65 quyết định cho phép hộ gia đình cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt và sản lượng lâm sản tận thu, tận dụng với tổng diện tích 1.016ha tại 10 xã.

Tuy nhiên, thực tế thì theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Như Xuân thì trong tổng số 253ha đã được cải tạo để trồng cao su theo thông tư 58 của Bộ NN&PTNT thì đến nay chỉ mới trồng được 114ha cao su. Số diện tích còn lại thì đã có 43ha đưa vào trồng keo, 48ha đã trồng sắn; một số hộ lấy đất trồng mía và có 12ha ở xã Xuân Hòa sau hơn 1 năm cải tạo đến nay đất vẫn đang bỏ hoang, trong khi đó lâm sản tận thu được với khối lượng gỗ không hề nhỏ đã được mang đi bán, lấy tiền tiêu.

Thực trạng cấp phép cho nhân dân cải tạo rừng nghèo kiệt để trồng cao su ở Như Xuân (Thanh Hóa) đang bị biến tướng dưới nhiều hình thức. Sự dễ dãi của chính quyền sở tại và sự buông lỏng quản lý đang khiến tình hình cải tạo rừng nghèo kiệt ở huyện miền núi này diễn ra lộn xộn, phức tạp.