Ra mắt công cụ đánh giá được-mất của đập thủy điện

ThienNhien.Net – Nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Bang Oregon – OSU (Hoa Kỳ) mới cho ra đời một công cụ có thể giúp các nhà hoạch định chính sách đánh giá chuẩn xác hơn được-mất của việc xây đập. Rất có thể, công cụ này sẽ làm thay đổi phương thức quyết định phát triển thủy điện.

Theo Giáo sư  nhân loại học Bryan Tilt (OSU), một thành viên của nhóm nghiên cứu, thì Công cụ Mô hình hóa Đánh giá Đập hợp nhất (Integrative Dam Assessment Modeling – IDAM) sử dụng hướng tiếp cận liên ngành nhằm đánh giá tổng thể các tác động về lý sinh học, kinh tế – xã hội và địa chính trị của những con đập.

Các nhà hoạt động thuộc Hội Sinh viên Assam (AASU) và Takam Mising Porin Kebang tham gia cuộc biểu tình phản đối việc xây dựng đập thủy điện lớn tại Gauhati (Ấn Độ) hôm Thứ bảy, 09/7/2011. (Ảnh: Anupam Nath)

Mô hình được thiết kế giống như một công cụ hỗ trợ ra quyết định mà các nhà hoạch định chính sách có thể áp dụng để nắm được toàn bộ tác động, chi phí và lợi ích của việc xây đập ở một địa điểm bất kỳ.

Ngày 27/7 tới đây, tại Washington D.C., nhóm nghiên cứu sẽ  giới thiệu công cụ này với các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan chính phủ và tổ chức môi trường của Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đông Nam Á.

Được biết, công cụ trên có thể tính toán mọi chi phí liên quan đến một dự án phát triển đập được đề xuất cũng như những lợi ích có thể đạt được. Mỗi biểu đồ trong công cụ bao gồm 27 chỉ số riêng biệt biểu thị những tác động của việc xây đập, phân chia theo các chủ đề kinh tế – xã hội, địa chính trị và lý sinh học.

Nói về IDAM,  giáo sư Tilt chia sẻ: “Khi bạn đề xuất xây một con đập, nó sẽ tác động tới toàn bộ hệ sinh thái và tất cả các cộng đồng. Chưa  có công cụ nào khác chứa đựng nhiều nhân tố khả biến và cho phép người dùng cân nhắc nhân tố nào là quan trọng nhất như công cụ mới này”.

Ông còn cho hay động lực thúc đẩy quá trình triển khai dự án mô hình hóa tác động của đập thủy điện đã có từ năm 2000, khi Ủy ban Đập Thế giới (WCD) kêu gọi cần hoạch định chính sách bền vững và hợp lý hơn đối với những đập lớn. Sang tới năm 2007, Viện Khoa học Quốc gia (NSF) đã đầu tư tài chính cho nghiên cứu của OSU và nhóm cộng tác nhằm phát triển và thử nghiệm công cụ đánh giá mới.

Thêm vào đó, những nghiên cứu mô hình hóa các con đập ở Trung Quốc cũng góp phần giúp các nhà khoa học cải tiến và hoàn thiện công cụ mà họ tin là sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định chính xác hơn trong việc xây dựng đập.