Nghệ An: Cắt gần 100 ha rừng để khai thác quặng thiếc

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

ThienNhien.Net – Ngày 18/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hứa Đức Nhị đã ký Công văn số 2046/BNN-TCLN gửi Văn phòng Chính phủ về việc thống nhất chuyển mục đích sử dụng gần 100ha rừng tại Nghệ An sang khai thác quặng thiếc.

Cụ thể: 48,88ha rừng phòng hộ thuộc xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ và 48,99ha rừng phòng hộ thuộc xã Văn Lợi, huyện Quỳ Hợp sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng sang khai thác quặng thiếc theo đề nghị của UBND Nghệ An. Dự án sẽ do Công ty cổ phần Thuận Thiên và Công ty TNHH Duyên Hoàng thực hiện.

Trước đó, ngày 6/6/2011, UBND tỉnh Nghệ An đã gửi hai văn bản số 3023/UBND-TN và số 3024/UBND-TN (kèm theo hồ sơ) tới Văn phòng Chính phủ về đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích rừng nêu trên, và ngày 13/6, Văn phòng Chính phủ đã có phiếu chuyển công văn xuống Bộ NNPTNT xem xét.

Được biết, để hoàn thiện hồ sơ đề xuất (quy định tại Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 của Chính phủ về việc thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng), các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An ngay trong tháng 6 và tháng 7 đã tiến hành hàng loạt các quy trình như: xác định hiện trạng khu vực chuyển đổi; phê duyệt dự án đầu tư khai thác quặng thiếc; đề xuất kế hoạch bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án; phê duyệt phương án trồng rừng thay thế do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Cũng theo Nghị định số 23/2006/NĐ-CP, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ sang mục đích khác không phải lâm nghiệp đối với khu rừng do ủy ban nhân dân tỉnh xác lập thuộc thẩm quyển của UBND cấp tỉnh. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Nghệ An xem xét, quyết định chủ trương chuyển đổi này.

Tuy nhiên, Bộ nhấn mạnh, trước khi triển khai, các khu vực trên cần phải được bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản của tỉnh.

Mặc dù theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An, tổng diện tích gần 100 ha rừng phòng hộ nêu trên chủ yếu là đất trống, rừng thứ sinh nghèo kiệt trên núi đá (trạng thái IIIA1), nhưng việc địa phương này liên tiếp chuyển đổi mục đích sử dụng hàng chục, hàng trăm ha rừng phòng hộ sang đầu tư, xây dựng các dự án khiến dư luận không khỏi lo ngại.

Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở bởi diện tích rừng phòng hộ tại Nghệ An vốn đã hẹp nay lại càng hẹp hơn, và chắc hẳn mỗi khi mùa mưa bão cận kề, người dân nơi đây lại phải gồng mình chống chọi với lũ dữ.

Khi rừng bị hy sinh cho dự án