Mực nước hạ lưu sông Hồng xuống thấp do phù sa giảm

ThienNhien.Net – Xu thế hạ thấp mực nước của trạm thủy văn Hà Nội và các trạm thủy văn khác vùng hạ lưu sông Hồng trong những năm gần đây rất rõ rệt, đặc biệt là trong mùa cạn, gây ra các tác động không nhỏ cho hoạt động phát triển kinh tế- xã hội, củng cố đê điều, phòng chống lũ lụt, và bảo vệ môi trường vùng hạ lưu Đồng bằng sông Hồng và sông Thái Bình.

Trạm Thủy văn Sơn Diệm thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (Ảnh: VFEJ)

Nghiên cứu của TS. Lương Tuấn Anh (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường) đăng trên Tạp chí Khí tượng Thủy văn tháng 5/2011 cho biết, so với giai đoạn 1956-1990, lưu lượng nước tại trạm thủy văn Hà Nội giai đoạn 2001-2009 giảm từ 2648 m3/s xuống còn 2308m3/s; dòng chảy bùn cát tại trạm này cũng giảm từ 2247kg/s (1958 – 1990) xuống 1253kg/s (2001-2008); mực nước trung bình năm tính trung bình theo các thời kì tại trạm cũng giảm từ 487cm (1956 – 1990) xuống còn 390cm (2001 – 2009).

Theo TS. Lương Tuấn Anh, nguyên nhân chính của sự hạ thấp mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội và một số trạm thủy văn khác vùng hạ lưu là do sự mất cân bằng lượng phù sa vùng hạ lưu sông Hồng do một lượng lớn phù sa đã bị lắng đọng tại các hồ chứa vùng thượng nguồn sông Hồng và tình trạng khai thác cát làm vật liệu xây dựng trên các lòng sông vùng hạ lưu.

Tuy nhiên, để có đánh giá toàn diện hơn, cần xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu sâu về nguyên nhân, mức độ tác động và giải pháp giảm thiểu các tác động bất lợi. Các biện pháp tăng cường công tác quản lý khai thác vật liệu xây dựng như cát, sỏi trong lòng dẫn sông Hồng cũng cần được triển khai kết hợp với việc nghiên cứu tăng lượng xả cát lòng hồ Hòa Bình và các biện pháp chỉnh trị lòng sông, điều tiết dòng chảy vùng hạ lưu sông Hồng.