Chiến lược năng lượng của WB bị phản đối

ThienNhien.Net – Chiến lược năng lượng của Ngân hàng Thế giới (WB) đang lâm vào tình trạng bế tắc khi mà dự thảo của bản chiến lược này không những đã dấy lên những tranh cãi trong nội bộ WB mà còn liên tiếp vấp phải sự “phản pháo” của nhiều tổ chức phi chính phủ (NGOs) về những yếu kém trong cam kết tư vấn cũng như hoạt động đầu tư năng lượng của Ngân hàng.

Cuộc họp mặt của Ủy ban về Hiệu quả Phát triển (CODE), một tiểu ban trực thuộc Ngân hàng Thế giới, diễn ra hồi giữa tháng 4 vừa qua chủ yếu xoay quanh dự thảo đầu tiên của chiến lược năng lượng mới mà WB đưa ra, song ngay trong cuộc họp đã nổi lên những bất đồng giữa các thành viên nhóm G11 (bao gồm 9 nước đang phát triển, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, cộng với hai nước thu nhập cao là Saudi Arabia, Kuwait) và Mỹ cùng các đồng minh của Mỹ. Mối bất đồng ấy xuất phát từ một đề xuất trong dự thảo: không cho các nước có thu nhập trung bình vay vốn đầu tư vào nhiệt điện.

Bản thân G11 trước đó đã thống nhất “không chấp nhận sự phân biệt đối xử của WB giữa các nước với cách phân loại dựa vào nhiên liệu”, đồng thời khuyến nghị rằng những cuộc thảo luận giữa WB và các quốc gia khác tập trung vào nguồn hỗ trợ mà Ngân hàng đầu tư cho khu vực năng lượng nên diễn ra mà không có hạn chế nào.

Đặc biệt, G11 tỏ ra hết sức lo ngại trước tình trạng phụ thuộc ngày càng tăng của Ngân hàng vào các thị trường và khu vực tư nhân, coi đó như kênh phân phối cơ bản. Nhóm các nước này cũng khuyến khích WB cần tăng tốc hơn nữa nhằm thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Mũi dùi còn đến từ các tổ chức phi chính phủ

Suốt hai tháng 4 và 5 vừa qua, bên cạnh những phản ứng tiêu cực trong nội bộ Ngân hàng đối với chiến lược năng lượng mới, WB còn là mục tiêu “phản pháo” của một loạt tổ chức phi chính phủ quốc tế.

Các tổ chức này liên tục công bố những báo cáo nhắm vào sự thất bại trong việc ưu tiên tiếp cận năng lượng từ các dự án của WB, đơn cử như báo cáo của Oil Change International, ActionAid International và Vasudha Foundation (Ấn Độ) mang tên Access to energy for the poor: the clean energy option (Tạm dịch là: Tăng khả năng tiếp cận năng lượng cho người nghèo: sự lựa chọn năng lượng sạch).

Báo cáo chỉ rõ một thực tế: “Chỉ có 9% trong số danh mục đầu tư năng lượng của Nhóm Ngân hàng Thế giới trong năm 2009 và 2010 đạt mục tiêu tăng sự tiếp cận năng lượng cho những người nghèo nhất thế giới”. Điều đáng ngạc nhiên là “chính các dự án nhiên liệu hóa thạch đã đạt mục tiêu này chứ không phải là một lĩnh vực xanh nào đó của WB”, báo cáo cho hay.

Tăng sự tiếp cận năng lượng cho người nghèo bằng lựa chọn năng lượng sạch (Ảnh minh họa: Brettonwoodsproject.org)

Đồng quan điểm với báo cáo trên, World Bank, climate change and energy financing (Tạm dịch là: Ngân hàng Thế giới, biến đổi khí hậu và hoạt động đầu tư năng lượng) – một báo cáo của 7 tổ chức phi chính phủ (trong đó có Groundwork South Africa, Environmental Rights Action Nigeria và Friends of the Earth) – khẳng định: “Các dự án xây dựng dưới danh nghĩa cải thiện tình trạng thiếu năng lượng và/hoặc chuyển sang một nền kinh tế ít các-bon hơn thường không đạt được kết quả như mong muốn mà đa phần đều ngược lại”.

Riêng báo cáo The World Bank’s coal electricity headache (Tạm dịch là: Bài toán khó của Ngân hàng Thế giới về nguồn điện từ than đá) của Tổ chức CO2 Scorecard (Mỹ) lại chĩa mũi nhọn vào việc Ngân hàng đánh đồng hoạt động cung cấp năng lượng với sự ưu tiên tiếp cận năng lượng. Báo cáo còn cho rằng “trong tương lai không xa, WB nên nhận thức rõ những tác động của việc quản lý các dự án năng lượng lên sự bất bình đẳng trong tiêu thụ điện năng và phát thải CO2”. Từ đó, báo cáo kêu gọi Ngân hàng cần thay đổi cách thức quản lý dự án để thực sự vươn tới mục tiêu giúp cho ngày càng nhiều người mau chóng được tiếp cận với năng lượng, nhất là những nhóm người nghèo ở khắp các châu lục trên thế giới.

Tháng 7 tới dự kiến sẽ có quyết định cuối cùng về chiến lược năng lượng mới của WB.