Ghi nhận mới về vùng phân bố của loài chuồn chuồn kim quý hiếm

ThienNhien.Net – Loài chuồn chuồn kim Rhinagrion hainanensis thuộc họ Megapodagrionidae rất đặc trưng bởi trên cơ thể cả con đực và con cái đều có các sọc vàng và đen. Đồng thời, đây cũng là một trong những loài chuồn chuồn quý hiếm lần đầu tiên được phát hiện và mô tả bởi các nhà nghiên cứu Wilson và Reels (2001) từ các mẫu con đực bắt được ở đảo Hải Nam, Trung Quốc.

Mãi đến năm 2010, giới nghiên cứu mới ghi nhận sự tồn tại của chúng trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin về sinh thái học, hình dạng ấu trùng, con cái, vùng phân bố… của loài này ở khu hệ Việt Nam vẫn chưa được biết rõ.

Năm 2011, sau khi tiến hành khảo sát trên nhiều khu vực, các nhà nghiên cứu Itsuro Kawashima, Akihiko Sasamoto (Nhật Bản) và Phan Quốc Toản, Đỗ Mạnh Cương (Việt Nam) đã công bố công trình ghi nhận loài Rhinagrion hainanensis ở nhiều vùng trên cả nước như Ka Nak, huyện K’Bang (Gia Lai); Ba Hồ, huyện Diên Khánh (Nha Trang); Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình); Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình).

Đây hầu hết đều là những khu bảo tồn thiên nhiên được bảo vệ một cách nghiêm ngặt, hệ sinh thái rừng được giữ gìn tương đối tốt, tạo môi trường sống thích hợp cho loài chuồn chuồn quý hiếm này. Đồng thời, các tác giả cũng lần đầu tiên mô tả hình thái của ấu trùng và con cái, giúp bổ sung đầy đủ thông tin về sinh thái học, hình thái học của loài chuồn chuồn kim quý hiếm Rhinagrion hainanensis.

Công trình được công bố trên tạp chí TOMBO, Nhật Bản (số 53, trang 93 – 99), xuất bản ngày 15/4/2011.

Con cái loài Rhinagrion hainanensis (Ảnh: Phan Quốc Toản)
Con đực loài Rhinagrion hainanensis (Ảnh: Phan Quốc Toản)
Ấu trùng của loài Rhinagrion hainanensis (Ảnh: Đỗ Mạnh Cương)