Trồng sâm Ngọc Linh bảo vệ được rừng

ThienNhien.Net – Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã trồng hàng trăm ha sâm trên đỉnh Ngọc Linh (Tê Xăng, Tu Mơ Rông, Kon Tum). Để phát triển vùng sâm bền vững doanh nghiệp đã tiến hành khoanh nuôi bảo vệ hàng nghìn ha rừng cho vùng canh tác và vùng đệm, đảm bảo độ che phủ và môi trường khí hậu ổn định.

Vùng sâm Ngọc Linh giữa đại ngàn

Chúng  tôi rời thành phố Kon Tum nhằm hướng Đăk Tô-Tu Mơ Rông vào một ngày giữa tháng 5. Cơn mưa đầu mùa đêm qua làm vơi đi phần nào không khí ngột ngạt, oi nồng cuối mùa khô Tây Nguyên. Hai bên quốc lộ 14 cách đây hơn chục năm cây rừng còn giăng giăng ngút tầm mắt, bây giờ hầu hết đã biến thành đất trống, đồi trọc, thành nương rẫy của người miền xuôi lẫn miền ngược.

Kiểm tra độ sinh trưởng phát triển cây sâm Ngọc Linh

Sau hơn 3 giờ ngồi xe, những chiếc Land Cruiser hai cầu hết đường chuyển bánh, cả đoàn đi bộ leo núi. Giày dép đường nhựa thay ra để mang loại giày đặc chủng. Gần 4 giờ trèo đèo lội dốc, cuối cùng chúng tôi cũng đến được “đại bản doanh” của những người trồng sâm Ngọc Linh ở độ cao 2000m quanh năm ẩm ướt.

Giữa nguyên sinh đại ngàn, không gian thật tĩnh mịch, trong lành, mát mẻ dễ chịu. Cây rừng chon von ngút tầm mắt che kín bầu trời để thảm thực vật dưới mặt đất không đến 20% ánh sáng lọt xuống. Hầu hết cây rừng có rong rêu bám ký sinh, ngay những phiến đá cũng phủ kín rêu, chứng tỏ độ ẩm quanh năm rất lớn. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy những cây chè rừng to như đầu người, thẳng tắp cao cả chục mét dễ đến mấy trăm năm tuổi. Những cư dân Xê Đăng ở Tê Xăng, Măng Ri, Ngọc Lây quanh năm dùng nguồn chè tự nhiên này làm nước giải khát.

Sâm Ngọc Linh có lẽ là loài thực sinh mỏng manh nhất của đại ngàn bởi mỗi năm chỉ mọc lên một cành lá vào mùa xuân đến cuối hạ đầu thu lụi tàn, ngủ đông mãi đến đầu xuân sau mới nhú mần. Nói là củ sâm, song thực chất là đốt của cây sâm Ngọc Linh, mỗi cây sâm chỉ ra một đốt, thân nằm trên mặt đất được lá rừng rụng xuống phủ kín nên gọi là củ.

Từ năm 1998 hai anh em Trần Hoàn (sinh năm 1975)-Chỉ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Trần Hảo (sinh năm 1976) đã quyết định gom góp vốn liếng trồng sâm Ngọc Linh ở xã Đăk Choong, Đăk Glei (Kon Tum), vừa trồng khảo nghiệm vừa cho người tìm kiếm vùng đất có thể thích hợp với sinh trưởng của cây sâm.

Không chỉ trồng sâm Ngọc Linh ngay tại Kon Tum, Hoàn còn đưa cây sâm này sang tận vùng núi cao Đà Lạt trồng thử, song kết quả không như mong đợi, cây có sinh trưởng song các thành phần saponin trong củ sâm chỉ bằng 20-30% so với sâm trồng ở Ngọc Linh. Năm 2003 sau khi khảo sát và thử nghiệm trồng sâm ở nhiều vùng, anh em Hoàn quyết định chọn Tê Xăng-Tu Mơ Rông làm điểm trồng sâm Ngọc Linh mặc dù đường sá đi lại rất gian nan cách trở.

Để trồng được vùng sâm cả trăm ha thế này, Trần Hoàn cho biết anh đã đầu tư vào đây sức người sức của không biết bao nhiêu kể xiết. Dần dần những cây sâm anh trồng cũng phát triển, cho hoa, thu hạt. Đến nay Công ty này đã nhân giống, trồng hơn 100 ha và mỗi năm có thể phát triển hàng triệu cây con.

Trồng sâm Ngọc Linh bảo vệ được rừng

Nhiều năm sống ở Tây Nguyên, chúng tôi quá thấu hiểu thảm cảnh rỗng ruột của những cánh rừng nguyên sinh, dù ấy là vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên hay rừng đặc dụng. Sâm Ngọc Linh chọn những cánh rừng độ che phủ lớn, độ ẩm cao sinh trưởng nên công tác bảo vệ rừng được quan tâm hàng đầu.

Ngoài việc bảo vệ vùng canh tác, Trần Hoàn còn yêu cầu anh em rào giậu vùng đệm cách đó cả cây số tránh để người dân chặt cây, phát nương làm rẫy khiến độ ẩm rừng thay đổi.

Việc chống cây gẫy đổ cũng được quan tâm thường xuyên bằng phát quang các loài dây leo, không để cây tích nước trĩu nặng gẫy cành ngọn. Những người trồng sâm sợ nhất là mưa bão khiến sạt lở đất, cây rừng gãy đổ. Một khoảng trời hé ra là lập tức các loại lưới chắn nắng phải giăng lên hạn chế tối đa ánh sáng mặt trời chiếu vào thân cây sâm. Cành lá mỏng mảnh, thân nước của sâm Ngọc Linh không chịu nổi ánh nắng quá vài chục phút mỗi ngày.

Đi vài ba giờ quanh vùng trồng sâm, leo non, lội dốc song cả đoàn chúng tôi đều hào hứng và cảm giác như bầu phổi hít thở nhẹ nhàng hơn. Tháng 5 cao điểm của những ngày nắng nóng ở Tây Nguyên song khí hậu ở đây vô cùng lý tưởng, mát lạnh trưa hè. Lâu lắm tôi mới lại có giấc ngủ ở rừng, ngủ ngon, ngủ sâu đến vậy.

Công nhân chăm sóc vườn sâm Ngọc Linh

Chủ hàng trăm ha sâm Ngọc Linh cho biết: Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Kon Tum, vừa qua doanh nghiệp đã thuê người khảo sát, đánh giá thực trạng vùng sinh trưởng sâm Ngọc Linh quanh khu vực này. Có gần 5000 ha rừng đủ điều kiện để trồng sâm Ngọc Linh, trong đó diện tích đậm đặc trồng được sâm khoảng 3000 ha. Cty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum sẽ nhận trách nhiệm quản lý bảo vệ 5000 ha rừng này. Các anh sẽ giao lại cho dân chăm sóc bảo vệ và trả tiền công cho họ. Mục tiêu của doanh nghiệp là nuôi người dân gắn bó với rừng, bảo vệ được rừng để phát triển được nguồn gien quý của Việt Nam nói riêng và cả thế giới bởi công dụng, giá trị của sâm Ngọc Linh đã được các nhà khoa học kiểm chứng.

Vùng sâm Ngọc Linh do Hoàn khởi xướng và đầu tư thành công nhờ anh tạo được niềm tin cho người dân Xê Đăng, khiến họ muốn giúp anh. Những người lạ đến rừng núi này sẽ nhanh chóng bị phát hiện, bắt giữ bất kể lý do gì khi vào rừng mà không có ý kiến của lãnh đạo xã. Rừng núi này của họ, ngay một vết thú mới người dân cũng phát hiện ra.

Từ nhóm 3 người ban đầu lên đây chọn đất, đến nay đã có hơn 100 nhân công thường xuyên có mặt quản lý bảo vệ, chăm sóc sâm. Số lượng nhân công tăng đáng kể vào mùa làm đất, trồng trọt. Anh Hoàn cho biết năm tới dự kiến trồng khoảng 30-50 ha, diện tích trồng sâm năm sau sẽ tăng nhanh theo cấp số nhân bởi đến nay công ty đã hoàn toàn chủ động về nguồn giống.