Sông Bạc ngắc ngoải vì vàng

ThienNhien.Net – Sông Bạc đoạn chảy qua các xã Tiên Kiều, Vĩnh Hảo, Vĩnh Tuy thuộc huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang gần đây xuất hiện hàng chục tàu cuốc có trang bị gàu ngày đêm “moi ruột” lòng sông để tìm vàng. Tình trạng trên khiến nguồn nước bị ô nhiễm, đất canh tác ven sông bị xói lở nghiêm trọng. Nhánh sông Lô qua các xã Tiên Kiều, Việt Hồng, Đồng Tâm, Đồng Tiến, Thượng Bình cũng diễn ra tình trạng tương tự

Chỉ cần tàu cuốc loại nhỏ được trang bị từ 30 – 36 gầu múc, mỗi giờ một tàu có thể múc được khoảng 100 mét khối cát sỏi lẫn vàng từ lòng sông, ăn vào đáy sông tới 15 mét sâu. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến dòng sông bị ô nhiễm nặng, suy giảm nguồn lợi thủy sản, bờ sông bị xói lở ảnh hưởng đến đất canh tác của bà con.

Được biết, đối tượng khai thác gồm nhiều thành phần, cả người dân sinh sống tại chỗ và dân ở các nơi đổ về. Một số “bưởng” vàng từ một số tỉnh lân cận cũng đã góp mặt.

Dưới đây là một số hình ảnh về hoạt động khai thác vàng trái phép trên sông Bạc (đoạn qua các xã Tiên Kiều, Vĩnh Tuy, Vĩnh Hảo) đang tiếp diễn.

Hiện nay, dòng sông Bạc chẳng khác gì một bãi chiến trường với hàng chục “hố bom” lớn nhỏ. Cùng với đó là hàng chục “ngọn núi” nhân tạo đã được hình thành ở giữa sông, không thuyền bè nào qua lại được.

Thủ phạm khiến dòng sông Bạc bị biến dạng chính là hàng chục tàu cuốc công suất lớn hoạt động suốt ngày đêm.

Mỗi giờ một tàu có thể múc được khoảng 100 mét khối với độ sâu khai thác sâu tới 15m xuống dưới lòng sông.

Ngoài tàu cuốc ra còn có một số bộ phận người dân tại chỗ cũng tranh thủ lúc nông nhàn đi khai thác vàng. Phương tiện mà họ sử dụng từ những chiếc máy nổ có công suất lớn cho đến các dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng…

Với việc đào múc lòng sông như thế này, khó loài thủy sinh có thể sống sót.

Nhiều khúc sông đã bị “vàng tặc” làm thay đổi dòng chảy và gây xói lở bờ, cuốn trôi đất canh tác của bà con.

Trước thực trạng trên, các ngành chức năng huyện Bắc Quang đã kiểm tra và xử phạt hành chính. Tuy nhiên, biện pháp xử lý của địa phương chưa đủ sức răn đe. Xử lý xong chưa lâu, tình trạng khai thác đâu lại vào đấy.