Nỗi niềm Khu bảo tồn voọc mũi hếch (Kì 1)

Kỳ 1:  Nước mắt voọc quý

ThienNhien.Net – Chúng tôi thở phào, cuối cùng thì nửa ngày chờ đợi cũng không uổng phí. Ngồi đối diện với chúng tôi là người đàn ông có nước da ngăm đen và đôi mắt sắc như cỏ núi. Trong số những người dân sinh sống ở mảnh đất Khau Ca này, có lẽ ông là người có số phận gắn bó đặc biệt hơn cả với loài voọc mũi hếch.

Từ “khắc tinh” voọc trở thành tuần rừng

Người đàn ông vui vẻ giới thiệu mình là Đán Văn Khoan, sinh năm 1968, thành viên đội tuần tra rừng Khau Ca. Cuộc gặp với anh Khoan không nằm trong bất cứ một kế hoạch hay ý đồ nào của chuyến đi, nhưng tới giờ chúng tôi vẫn vui vẻ nói với nhau rằng đó là cuộc tìm kiếm và chuyện trò thú vị.

Thông tin hé lộ từ một cán bộ trẻ đang làm dự án ở Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mũi hếch Hà Giang, nhưng chính anh này cũng chỉ nghe loáng thoáng trong một lần đi công tác tại xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên, rằng ở vùng Khau Ca này có một thợ săn trước từng là xạ thủ săn voọc mũi hếch.

Chúng tôi đến xã Tùng Bá để dò hỏi thông tin nhưng không ai biết. Ngay cả vị chủ tịch xã Phạm Huy Trà, người nắm trong lòng bàn tay những câu chuyện lớn bé ở Tùng Bá cũng lắc đầu bảo chưa từng nghe đồn về nhân vật này, cũng chưa bao giờ biết tới câu chuyện hạ sát voọc mũi hếch ở Khau Ca. Cuối cùng thì chúng tôi cũng ghi được cái tên anh Khoan, thôn Hồng Tiến từ trí nhớ tuyệt vời của ông Trưởng công an xã…

Ông Đán Văn Khoan một thời từng là nỗi khiếp đảm của loài voọc mũi hếch quý hiếm ở Khau Ca.

Anh Khoan kể cho tới 16 tuổi, anh đã theo cha vượt khắp các cánh rừng quê hương, từ Khau Ca, Phong Quang cho đến ngút ngàn heo hút Tây Côn Lĩnh. Trên những đỉnh núi Hà Giang này, không nơi nào thiếu dấu chân và đạn súng kíp của cha con anh.

Kí ức sâu đậm nhất của anh về voọc mũi hếch chính là chú voọc đầu tiên bị anh hạ gục trong chuyến đi săn năm 1989. Đó là một con voọc đực đầu đàn, nó đang ngồi trên một chạc cây cách xa đàn một chút, có lẽ đang cảnh giới cho cả đàn kiếm ăn. Sau tiếng súng của tay thiện xạ, đàn voọc sợ hãi tán loạn, chúng nháo nhác vì không thấy con đầu đàn. Con con voọc đã bị rơi xuống đất.

Ngay cả đến nay, khi đã trở thành một thành viên của tổ tuần rừng, không còn súng kíp trên tay nhưng những hồi tưởng về một thời “oanh liệt” với núi rừng từ cách đây đôi ba chục năm trong anh vẫn còn rất rõ ràng.

“Chúng tôi hò nhau khênh chiến lợi phẩm về xẻ thịt, lấy xương nấu cao rồi chia nhau mỗi nhà một ít. Mỗi chuyến săn voọc thường kéo dài cả tuần lễ, phải mang theo nhiều đạn và đồ ăn. Voọc mũi hếch khôn lắm, chúng phát hiện ra kẻ lạ từ cách xa cả trăm mét. Thấy động là chúng cấp báo cho đàn chạy hết. Khó vậy nên mỗi con voọc săn được thời đó chúng tôi coi là kỳ tích”. – Anh Khoan thật thà chia sẻ.

Anh Khoan thanh minh, bảo rằng thời đó rừng còn hoang vu, chưa có cái khu bảo tồn với cái ban quản lý rừng Khau Ca như ngày nay. Chúng tôi cười trừ, khách quan mà nói, không ai có thể đem những tay thợ săn như Đán Văn Khoan của đôi ba chục năm trước ra kết tội về sự diệt vong và nguy cấp của loài voọc mũi hếch ngày nay. Nhưng quả thật, những chiến tích một thời của anh Khoan, như một phát đạn hạ được cả gia đình voọc, voọc bố và voọc con bị thu tại chỗ, còn xác voọc mẹ phường săn tìm thấy bên bờ suối ngày hôm sau, hay bắn voọc mẹ lấy được cả voọc con chưa sinh rồi cả nhóm hoan hỉ đem về ngâm rượu, nay mang ra kể lại, thấy xót thương cho đàn voọc.

“Thời ấy mình mê mải lắm, giương súng lên là chẳng còn nghĩ gì nữa, cứ nhằm con lớn nhất mà bắn. Con ấy là con đầu đàn, nó to nhất nên được nhiều thịt, nhiều xương.”

Cho tới khi anh Khoan giải nghệ, buông súng kíp, anh đã hạ được 10 con voọc mũi hếch, còn nếu tính cả phường thợ của anh thì là 62 con, chưa kể các loài thú khác. Anh Khoan và phường săn ấy từng là “khắc tinh” của voọc mũi hếch ở Khau Ca.

Về loài voọc chỉ có ở Việt Nam

Cậu chuyện của anh Khoan sẽ lẫn trong hàng loạt chuyện kể về thợ săn mà chúng tôi từng gặp, nếu như sau đó chúng tôi không tình cờ biết rằng loài voọc mũi hếch sinh sống ở Khau Ca là loài voọc cực kỳ quý hiếm, và nếu các nhà khoa học quốc tế có đi cả thế giới này họ cũng chỉ may mắn tìm thấy chúng ở một vài cánh rừng núi đá vôi Đông Bắc Việt Nam.

Cùng với thời gian, sự tồn tại của đàn voọc mũi hếch ngoài tự nhiên đã trải qua nhiều thăng trầm, khi đông đúc quây quần, khi thưa thớt, suy vong (nghe nói khi đập thủy điện Tuyên Quang được dựng lên, những cánh rừng ở Nà Hang nơi voọc mũi hếch sinh sống đã bị đốn hạ không thương tiếc nên voọc sợ hãi mà bỏ đi, một phần bị săn bắn tại chỗ). Cũng có lúc, ở một vài khu rừng có voọc mũi hếch sinh sống, trong suốt cả thời kỳ dài người ta không nhìn thấy chúng và ngỡ rằng đã tuyệt chủng.

Bảo vệ voọc mũi hếch đã trở thành chủ đề "nóng" để tuyên truyền tới các em học sinh của một số xã ven KBT trong suất mấy năm qua.

Trong những ngày lưu lại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mũi hếch Hà Giang (người dân và cán bộ dự án ở đây hay gọi tắt là Khu bảo tồn Khau Ca), chúng tôi không có cơ may nhìn thấy voọc mũi hếch. Hầu hết những người dân của xã Tùng Bá mà chúng tôi gặp và cả ban quản lý khu bảo tồn đều nói không nhìn thấy voọc bao giờ. Những cụ già thì kể về kí ức xa xưa khi voọc mũi hếch còn sống quanh dân bản như thể kể những câu chuyện chỉ có trong cổ tích.

Các em học sinh thì may mắn được nhìn thấy voọc, nhưng cũng chỉ là hình voọc có trong tài liệu về giáo dục môi trường của các anh chị làm dự án. Các em hào hứng tham gia cuộc thi vẽ tranh về voọc. Tranh được in thành lịch, phát cho mỗi nhà một đôi cuốn. Thế là nhà nào nhà nấy ở Tùng Bá và các xã lân cận, tuy chưa được nhìn thấy voọc nhưng ai cũng biết con voọc mũi hếch hình dáng ra sao. Lịch voọc được dán trang trọng trên vách nhà.

Cái tên xấu tệ của loài voọc này được gắn đúng với hình thức nổi bật của chúng, nghĩa là cái mũi hếch ngược lên. Nhìn tranh ảnh của những chú voọc con, trông cái mũi hếch, môi dày càng thấy đáng yêu ngộ nghĩnh.

Không như đa số các loài voọc khác, voọc con sinh ra có màu vàng cam, lớn lên mới đổi màu lông thành đen hoặc vàng theo từng loài, giới tính. Voọc mũi hếch con ra đời toàn thân có màu xám. Khi trưởng thành thì mặt mũi chân tay và phần dưới bụng có màu trắng kem, lưng chúng có màu đen mực. Một chuyên gia về linh trưởng cho chúng tôi biết chúng là loài có kích thước lớn nhất và có đuôi dài nhất trong hơn 20 loài linh trưởng ở Việt Nam.

Voọc mũi hếch sống theo đàn. Mỗi đàn có một con đực trưởng thành làm thủ lĩnh, thành viên là một vài “voọc vợ” và bầy con cái. “Ông bố mẫu mực” này có nhiệm vụ dẫn đường, cảnh giới và bảo vệ cả đàn trước nguy hiểm. Chúng kéo nhau đi kiếm ăn từ sáng sớm, trưa nắng cũng biết tìm chỗ mát mẻ mà ngủ cho đẫy mắt hay chăm chút cho con cái rồi chiều mát lại kéo nhau đi làm một chầu cây quả rừng, lá non nữa trước khi về ẩn trú. Vùng cư trú và kiếm ăn của voọc gắn với những vách đá vôi cheo leo, họa hoằn lắm mới phải thay đổi.

Nghe các chuyên gia kể lại, một nhà khoa học nước ngoài có tên Dollman đã tìm ra voọc mũi hếch cách nay khoảng 100 năm (vào khoảng năm 1911-1912) ở Trấn Yên (Yên Bái). Đó là một đàn voọc có 9 con, nhưng sau này không còn ai nhìn thấy voọc mũi hếch ở khu vực này nữa.

Năm 1992, nghĩa là 80 năm sau đó, người ta mới lại tìm ra voọc mũi hếch ở Chạm Chu, Na Hang (Tuyên Quang) và ở một số khu rừng của tỉnh Bắc Kạn. Nhưng đàn voọc ở đây đã bị dần dần suy vong do rừng bị phá và do nạn săn bắt.

Năm 2002, khi tiến hành nghiên cứu, khảo sát ở khu vực rừng Khau Ca, các nhà khoa học đã phát hiện ra một quần thể voọc mũi hếch đông đảo nhất từ trước tới giờ, với số lượng khoảng hơn 60 con lớn nhỏ. Đây là nguyên cớ để có được khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mũi hếch ở Khau Ca  ngày nay.

Thế giới có bốn loài voọc mũi hếch, trong đó có 3 loài được tìm thấy ở Trung Quốc. Riêng loài Rhinopithecus avunculus (loài voọc mũi hếch có ở Khau Ca), được cho là quý hiếm nhất, là loài đặc hữu của Việt Nam (cùng với ba loài voọc khác là voọc Cát Bà, voọc mông trắng và chà vá chân xám). Voọc mũi hếch của Việt Nam nằm trong số 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Sách Đỏ thế giới xếp chúng trong danh mục các loài cực kỳ nguy cấp (nghĩa là sát bờ vực tuyệt chủng). Nhà nước cũng đã kịp đưa voọc mũi hếch vào diện cấm vận chuyển, buôn bán (Danh mục IB, các loài động vật cấm vận chuyển, buôn bán vì mục đích thương mại – Nghị định 32/2006/NĐ-CP).