Nhân giống thành công sâm Ngọc Linh bằng nuôi cấy mô

ThienNhien.Net – Viện Sinh học Tây Nguyên (Lâm Đồng) vừa thông báo đã nhân giống thành công loài sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis) bằng phương pháp nuôi cấy mô. 3 mẫu sâm của cây trồng 17 tháng tuổi từ cây sâm nuôi cấy mô đã được phân tích và xác nhận có 3 hợp chất saponin chủ yếu, là hoạt chất có tác dụng thanh lọc chất độc trong cơ thể như trong sâm Ngọc Linh tự nhiên.

Nhân giống thành công sâm vô tính sẽ mở ra triển vọng cho việc trồng và phát triển cây sâm chất lượng cao ở Việt Nam. (Ảnh: Thanh Niên)

Những cây sâm nhân giống bằng nuôi cấy mô hiện không chỉ sống được ngoài điều kiện tự nhiên với tỷ lệ trên dưới 85% mà sau 8 tháng trồng đã có 35% cây sâm hình thành củ. Kết quả này cho thấy quá trình sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô vượt xa nhiều so với cây sâm Ngọc Linh trồng bằng hạt.

Điều đáng nói là sâm Ngọc Linh vốn là loài sâm quý của Việt Nam, có giá trị kinh tế cao, hiện đang bị khai thác cạn kiệt nên nguồn cung hạn chế, chủ yếu chỉ được trồng tập trung ở vùng núi Ngọc Linh. Vì thế, thành công từ việc nhân giống sâm bằng nuôi cấy mô sẽ góp phần giải quyết
ít nhiều những bất cập nêu trên.

Theo đánh giá của PGS.TS Trần Công Luận, Giám đốc Trung tâm sâm và dược liệu TP.HCM, thành công này mang tầm vóc quốc tế vì chưa có một nghiên cứu nào thành công ở trong và ngoài nước về nhân giống sâm bằng nuôi cấy mô. Tuy nhiên, PGS.TS Luận cũng nhấn mạnh, đây mới chỉ là thành công bước đầu bởi sâm Ngọc Linh là cây đa niên, muốn thu hoạch cần ít nhất
5 năm trở lên, trong khi đó, kết quả phân tích mẫu sâm nuôi cấy mô vừa nêu dựa trên những cây 17 tháng tuổi. Do đó, vẫn cần thêm thời gian để đánh giá sự phát triển sinh khối và tích lũy hoạt chất của loài sâm này.