Tăng cường bảo tồn rừng ngập mặn ven biển Bạc Liêu

ThienNhien.Net – Chiếm phần diện tích khiêm tốn ở mức vài trăm ha nhưng rừng ngập mặn Bạc Liêu có giá trị quan trọng trong việc phòng hộ và tạo môi trường sống cho các loài thủy sinh. Một vài năm trở lại đây, khu vực này đã nhận được sự quan tâm đầu tư của khá nhiều tổ chức trong và ngoài nước, nhưng sự phát triển tràn lan, thiếu quy hoạch các vùng nuôi thủy sản khiến đa dạng thực vật vùng tiếp tục suy giảm.

Theo khảo sát của TS. Viên Ngọc Nam (Đại học Nông lâm TPHCM)1, các quần xã thực vật ở khu vực ven biển Bạc Liêu có chỉ số đa dạng không cao, đặc biệt rừng ngập mặn Bạc Liêu không phải là rừng tự nhiên nguyên sinh mà là tái sinh. Khả năng phân bố các loài cây rừng ngập mặn cũng bị hạn chế do bị ngăn cản bởi hệ thống đê, bờ đê phục vụ nuôi trồng thủy sản và cách nuôi tôm chỉ bơm nước vào mà không dùng cống để trao đổi nước.

Qua điều tra, TS. Nam xác định được 49 loài cây ven biển của tỉnh Bạc Liêu, trong đó có 15 loài (chiếm 31%) là cây rừng ngập mặn thực sự, còn 34 loài (chiếm 69%) là cây gia nhập rừng ngập mặn thuộc 27 họ. Đáng chú ý là loài Chùm lé (Azima sarmentosa) – loài duy nhất ở rừng ngập mặn Bạc Liêu có trong Sách đỏ Việt Nam thuộc nhóm bị đe dọa nguy cấp do giảm nơi phân bố và nơi cư trú. Ngoài ra, khu vực này cũng có một số cây rất hiếm cần phải bảo tồn như Bần chua (Sonneratia caseolaris), Bần ổi (Sonneratia ovata Backer), Đưng (Rhizophora mucronata Lamk) và hai loài cây hiếm gồm Mấm đen (Avicennia officinalis) và Xu sung (Xylocarpus moluccensis). TS. Nam gợi ý, những loài cây này nên được bảo tồn theo phương pháp ngoại vi (Ex-situ conservation) thông qua việc mua giống từ các nơi khác về gieo ươm và trồng trên những lập địa thích hợp.

Bên cạnh đó, cũng cần chú ý tới 7 loài cây chiếm ưu thế tại khu vực này, bao gồm Mấm biển (Avicennia marina), Dà vôi (Ceriops tagal), Lức (Pluchea indica), Cóc kèn 3 lá (Derris trifoliata), Đước (Rhizophoraceae apiculata), Rau muống biển (Ipomoea pes-caprae) và Dà quánh (Ceriops zippeliana).

Đước, một trong bảy loại cây chiếm ưu thế ở rừng ngập mặn Bạc Liêu (Ảnh: chebiengovn.com)

Ngoài việc thiết lập một vườn sưu tập thực vật rừng ngập mặn để lưu trữ các loài, TS. Nam cho rằng, để bảo tồn hiệu quả đa dạng thực vật vùng ven biển, Bạc Liêu cần tiến hành nghiên cứu đa dạng thực vật về gen của các loài quý, hiếm để có cơ chế bảo tồn nguồn gen vốn có, đồng thời nâng cao hoạt động tuyên truyền, giáo dục bảo tồn và du lịch sinh thái trong tương lai.

Được biết, từ giữa năm 2010, UBND tỉnh Bạc Liêu đã nhận được khoản đầu tư 300 triệu đồng cho việc thực hiện dự án xây vườn ươm cây giống rừng ngập mặn, do Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) tài trợ. Bước đầu, một số loại thực vật đã được ươm trong hệ thống vườn ươm cây và được chăm sóc chu đáo.

 

1 Nghiên cứu được trích đăng trên Tạp chí Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn số 5/2011