Việt Nam sẽ tổ chức sáng kiến quốc tế về quản lý rừng

ThienNhien.Net – Việt Nam sẽ tổ chức Sáng kiến quốc tế với chủ đề “Con đường đi đến nền kinh tế xanh trong bối cảnh phát triển bền vững”, tập trung vào vai trò của thị trường và quản lý rừng bền vững, tại Hà Nội vào tháng 09/2011 với sự hợp tác chặt chẽ của chính phủ Hà Lan.

Thông tin trên được Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cho biết vào ngày 03/02, tại kỳ họp thứ 9 của Diễn đàn Liên Hợp Quốc về rừng đang diễn ra tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York.

Đại sứ Bùi Thế Giang nhấn mạnh, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tuyên bố năm 2011 là Năm Quốc tế về rừng và thừa nhận rừng và quản lý rừng bền vững góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, công tác xóa đói nghèo và việc đạt được các mục tiêu phát triển đã được quốc tế thỏa thuận, trong đó có các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Rừng đã trở thành nhân tố quan trọng dẫn tới giải pháp cho nhiều vấn đề toàn cầu, đặc biệt là biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, an ninh lương thực và cung cấp năng lượng.

Đại sứ Bùi Thế Giang cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Sáng kiến quốc tế được Việt Nam chủ trì sẽ nhằm hai mục tiêu. Thứ nhất, thúc đẩy đối thoại và hợp tác nhằm tăng cường điều phối và giải quyết những mâu thuẫn giữa hai thách thức quan trọng mà các nhà hoạch định chính sách về rừng và các nhà quản lý đất đai đang phải đối mặt, bao gồm vừa tăng cường quản lý rừng bền vững và sử dụng đất đai bền vững, vừa tăng cường sự đóng góp của rừng và quản lý sử dụng đất đai vào việc cải thiện cuộc sống của các cộng đồng nông thôn, tăng cường các xí nghiệp lâm nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ hai, khẳng định vai trò của các hoạt động thương mại quốc tế trong việc thúc đẩy hơn nữa việc sử dụng đất đai bền vững nói chung và quản lý rừng bền vững nói riêng.

Cũng trong ngày 03/02, Diễn đàn lần thứ 9 về rừng cũng thông qua “Tuyên bố cấp bộ trưởng” trong đó cam kết đề cao ở mức cao nhất những lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường của rừng cũng như vai trò sống còn của rừng trong việc giải quyết những thách thức phức tạp của phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện cuộc sống của 1,6 tỷ người sống phụ thuộc vào rừng, đặc biệt ở các nước đang phát triển, thông qua việc tạo điều kiện cần thiết để họ tham gia quản lý rừng bền vững.