Chính sách đa dạng sinh học ngày càng hoàn thiện

ThienNhien.Net – Bảo tồn đa dạng sinh học được coi là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo vệ môi trường. TS. Phạm Anh Cường, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) cho biết, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng và trình ban hành các văn bản nhằm tăng cường thực thi hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học trên cả nước. Các địa phương trong cả nước cũng bước đầu xây dựng ban hành và triển khai các kế hoạch hành động về đa dạng sinh học của địa phương. Đến thời điểm hiện nay, có trên 1/3 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kế hoạch hành động tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Lần đầu tiên ở Việt Nam, Luật Đa dạng sinh học ra đời đã bao quát các khía cạnh bảo tồn, từ vấn đề quy hoạch đa dạng sinh học, đến bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, loài, nguồn gen. Đồng thời luật cũng tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập các cơ chế tài chính, hoàn thiện tổ chức, tăng cường nguồn lực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Vấn đề đa dạng sinh học đã và đang được chú trọng trong việc hoạch định chính sách ở các cấp.

Ngay sau khi Luật Đa dạng sinh học chính thức có hiệu lực (01/07/2009), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 2293/QĐ – BTNMT ngày 30/11/2009 về việc phê duyệt Chương trình thực hiện Luật Đa dạng sinh học của Bộ giai đoạn 2009 – 2015. Đây là văn bản chuyên ngành hỗ trợ cho việc triển khai thực hiện các nội dung của Luật, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu về xây dựng văn bản hướng dẫn Luật, tuyên truyền đào tạo và tăng cường năng lực thực thi Luật Đa dạng sinh học trong cuộc sống.

Giai đoạn vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo ưu tiên tập trung xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt các văn bản pháp quy phục vụ thực hiện Luật. Những văn bản này đã làm rõ các nội dung về tiêu chí thành lập và phân cấp các khu bảo tồn; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sống hợp pháp trong các khu bảo tồn, tiêu chí xác định các loài nguy cấp quý hiếm thuộc danh mục ưu tiên bảo vệ và trình tự, thủ tục thẩm định hồ sơ đưa vào danh mục, cơ sở bảo tồn hoặc thả ra nơi sinh sống…