Đẩy mạnh triển khai đề án phát triển nhiên liệu sinh học

ThienNhien.Net – Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chỉ đạo Bộ Công Thương cần đẩy mạnh triển khai Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 và sớm tổ chức nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích tiêu dùng nhiên liệu sạch, nhiên liệu sinh học (NLSH).

Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 177/2007/QĐ-TTg ngày 20/11/2007 và đã triển khai thực hiện được 3 năm.

Đề án đặt mục tiêu, đến năm 2010, xây dựng và phát triển được các mô hình sản xuất thử nghiệm và sử dụng NLSH quy mô 100 nghìn tấn E5 và 50 nghìn tấn B5/năm bảo đảm đáp ứng 0,4% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Tầm nhìn đến năm 2025, công nghệ sản xuất NLSH ở nước ta đạt trình độ tiên tiến trên thế giới. Sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 1,8 triệu tấn, đáp ứng khoảng 5% nhu cầu xăng dầu của cả nước.

Theo thống kê, hiện nay, nước ta đã có nhiều dự án sản xuất NLSH từ sắn, rỉ đường, ví dụ như đầu tư Nhà máy sản xuất ethanol có công suất 120 triệu lít/năm của Công ty cổ phần Ðồng Xanh, hay 1 số nhà máy khác đang trong giai đoạn thi công như Nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu Dung Quất có công suất thiết kế 100 triệu lít/năm, Nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu Bình Phước công suất 100 triệu lít/năm.

Tại miền Bắc, Công ty cổ phần Hóa dầu và NLSH Dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất nhiên liệu ethanol tại tỉnh Phú Thọ với công suất 100 nghìn m3/năm. Bên cạnh đó, nước ta cũng đã có hai nhà máy sản xuất diesel sinh học từ mỡ cá tại TP Cần Thơ và tỉnh An Giang với tổng công suất 80 tấn/ngày.

Đánh giá của Bộ Công Thương cho biết, ngành công nghiệp NLSH Việt Nam đang tăng tốc nhanh. Theo kế hoạch, đến năm 2011, cả nước sẽ có 5 nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu đi vào hoạt động với tổng công suất 365.000 tấn/năm đủ để pha chế 7,3 triệu tấn xăng E5.

NLSH là loại nhiên liệu được chế xuất từ chất béo của động thực vật (mỡ động vật, dầu dừa…), ngũ cốc, chất thải trong nông nghiệp như rơm rạ, sản phẩm thải trong công nghiệp (mùn cưa, sản phẩm gỗ thải…).

Sử dụng NLSH so với xăng dầu sẽ giảm khoảng 70% khí CO2 và 30% khí độc hại do chúng chứa lượng lưu huỳnh cực nhỏ nên cháy sạch hơn. Riêng NLSH sản xuất từ mía đường giảm đến 89% khí CO2.