Tăng cường phòng các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

ThienNhien.Net – Mặc dù dịch cúm gia cầm (H5N1) tuy đã được khống chế nhưng tuyệt đối không được chủ quan, vì đây chính là mùa có tỷ lệ lưu hành vi rút cúm gia cầm rất cao. Đây là đề nghị của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Diệp Kỉnh Tần đối với các ngành chức năng và địa phương tại buổi họp giao ban thường kỳ của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, chiều 21/12.

Cục Thú y – Bộ NNPTNT nhận định, dịch cúm gia cầm đã được khống chế. Tuy nhiên, theo kết quả giám sát của dự án GETS năm 2010, tỷ lệ đàn vịt có lưu hành vi rút cúm gia cầm trung bình là 4,2%, nguy cơ dịch tiếp tục xuất hiện tại các địa phương là rất cao.

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do vi rút cúm gia cầm vẫn đang lưu hành trong đàn thủy cầm chưa tiêm phòng; thời tiết lạnh và diễn biến phức tạp làm giảm sức đề kháng của gia cầm, tạo thuận lợi cho vi rút tồn tại, phát triển và lây lan; hoạt động chăn nuôi gia cầm tăng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm.

Do đó, Cục Thú y yêu cầu các Chi cục Thú y các địa phương tiếp tục tăng cường chấn chỉnh công tác kiểm dịch vận chuyển, buôn bán, giết mổ và tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm; thường xuyên thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng ở các khu vực chăn nuôi, nơi đã xảy ra dịch, nơi buôn bán, giết mổ gia cầm.

Đối với dịch lở mồm long móng (LMLM), trong hai tuần qua, dịch phát sinh tại 3 tỉnh mới là Lai Châu, Cao Bằng và Thanh Hóa; phát sinh thêm các ổ dịch LMLM tại 3 tỉnh là Quảng Ninh, Phú Yên và Lạng Sơn. Hiện nay, cả nước còn 13 tỉnh là Đắk Lắk, Sơn La, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Gia Lai, Phú Yên, Yên Bái, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Lai Châu, Cao Bằng và Thanh Hóa có dịch chưa qua 21 ngày.

Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm cho biết, dịch LMLM chủ yếu xuất hiện tại hai khu vực chính là các tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực miền Trung Tây Nguyên. Dịch xuất hiện tại hai khu vực trên trong cùng một quãng thời gian cho thấy dịch có dấu hiệu lây lan. Nguyên nhân có thể do các hoạt động vận chuyển gia súc bất hợp pháp mang mầm bệnh làm xuất hiện dịch.

Do đó, nguy cơ dịch tiếp tục xuất hiện và lây lan ra các tỉnh trong cùng khu vực là rất cao nếu không quản lý tốt các ổ dịch.

Mặt khác, dịch LMLM xảy ra ở một số xã miền núi, nơi có địa hình phức tạp vì vậy công tác phòng chống dịch còn gặp nhiều khó khăn đặc biệt là công tác tổ chức tiêm phòng ở các tỉnh biên giới, nhiều địa phương chưa thành lập được các chốt kiểm dịch tạm thời. Cục trưởng Hoàng Văn Năm đề nghị kiểm soát chặt chẽ công tác kiểm dịch nội địa và qua biên giới, xử lý nghiêm mọi trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái pháp luật qua biên giới.

Còn với dịch tai xanh trên lợn, hiện nay dịch đã được khống chế trên phạm vi cả nước, chỉ còn tỉnh Hà Tĩnh, các tỉnh khác đã công bố hết dịch. Tuy nhiên, Cục Thú y cảnh báo, nếu vội vã tái đàn và không tuân thủ các quy định về con giống, về vệ sinh phòng dịch cũng như chăn nuôi an toàn sinh học thì nguy cơ tái phát các ổ dịch lẻ tẻ, rải rác trong thời gian tới là rất cao.

Cục trưởng Hoàng Văn Năm cho biết, Cục Thú y đã triển khai nghiêm túc việc tiêm phòng khảo nghiệm 200 nghìn liều vắc xin nhược độc JXA1-R phòng bệnh lợn tai xanh (PRRS) do Công ty Thuốc thú y Đại Hoa Nông (Quảng Đông, Trung Quốc) sản xuất và viện trợ ở 21 tỉnh thành trên cả nước vừa qua. Qua báo cáo của các tỉnh đều cho thấy, việc tiêm phòng loại vắc xin này cho kết quả rất tốt. Hiện Cục Thú y đang làm thủ tục nhập tiếp 1 triệu liều vaccine PRRS.

Trước những diễn biến tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong thời gian vừa qua, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần đề nghị, mặc dù dịch cúm gia cầm (H5N1) đã được khống chế nhưng tuyệt đối không được chủ quan, vì đây chính là mùa có tỷ lệ lưu hành virus cúm gia cầm rất cao.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho rằng, tỷ lệ tiêm phòng trên gia cầm hiện nay là thấp, mới chỉ đạt khoảng 72 triệu lượt. Do đó, Cục Thú y tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo, theo dõi sát kế hoạch tiêm phòng ở các địa phương vì có những nơi chỉ tiêm phòng mang tính chất đối phó.

Đồng thời, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần đề nghị, các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, công khai chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi khi có lợn bị tiêu hủy. Công tác thông tin tuyên truyền phải đúng mực, không gây hoang mang, lo lắng, làm cho người chăn nuôi phải bán chạy vật nuôi.