Thảo luận về triển vọng EITI tại Việt Nam

ThienNhien.Net – Ngày 10/12/2010, Bộ Công thương đã phối hợp cùng Đại sứ quán Na Uy tổ chức hội thảo thăm dò về sáng kiến minh bạch hoá trong ngành công nghiệp khai thác tài nguyên (EITI) tại Việt Nam. Hội thảo có sự tham gia của một số lãnh đạo cấp cao của Bộ Công thương như Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Nguyễn Mạnh Quân cùng đại diện từ các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp …


Giải quyết tận gốc xung đột nhờ EITI


Hội thảo này có thể được xem như cơ hội để Bộ Công thương tiếp nhận các thông tin về sáng kiến minh bạch hoá nguồn thu trong ngành công nghiệp khai thác tài nguyên và xem xét khả năng áp dụng ở Việt nam.

Trong diễn văn khai mạc hội thảo, thứ trưởng Nguyễn Nam Hải nhấn mạnh, tài nguyên khoáng sản là sở hữu toàn dân và nguồn thu từ ngành công nghiệp khai thác khoáng sản phải được sử dụng để phát triển đất nước. Để ngành công nghiệp khai khoáng phát triển một cách bền vững, đóng góp đáng kể vào công cuộc phát triển đất nước, Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong ngành công nghiệp khai khoáng đồng thời cần nghiên cứu và cân nhắc khả năng tham gia thực thi sáng kiến EITI.

Các bài tham luận trong hội thảo đã đề cập một cách khá tổng quát đến các thông tin có liên quan đến công nghiệp khai khoáng và EITI. Đại diện từ Bộ Công thương đã có các bài trình bày về hiện trạng ngành dầu khí, than và khoáng sản Việt Nam; đại diện từ đại sứ quán Nauy và Viện Giám sát Nguồn thu có những giới thiệu về bản chất của EITI và quy trình tham gia thực thi sáng kiến này; các đại diện từ chính phủ nước bạn Indonesia chia sẻ kinh nghiệm về các thách thức trong tiến trình thực thi EITI tại Indonesia.

Các bài trình bày đã nhấn mạnh vai trò của EITI trong việc tăng cường quản lý trong ngành khai khoáng như chống tham nhũng, tạo môi trường đầu tư ổn định hơn, nâng cao uy tín quốc tế…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Quân – vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng lại cho rằng, các lợi ích do EITI mang lại có vẻ không rõ ràng trong điều kiện của Việt Nam. Bởi vì bản chất của EITI là giám sát quá trình nộp ngân sách của doanh nghiệp, nguồn thu chính phủ từ khai khoáng và việc phân bổ xuống địa phương… Trong khi đó, hiện nay vấn đề nộp thuế của doanh nghiệp cho Bộ Tài Chính và Tổng cục Thuế giám sát; việc phân bổ nguồn thu do Quốc hội quy định. Do đó, theo ông Quân, tham nhũng rất khó xảy ra trong quá trình thu chi này mà thường xảy ra ở các khâu khác như xin quyền khai thác khoáng sản.

Còn theo thứ trưởng Nguyễn Nam Hải, EITI có thể sẽ góp phần giải quyết một số vấn đề như mối quan hệ giữa chính quyền – doanh nghiệp, tham nhũng, ô nhiễm môi trường… Tuy nhiên, việc tham gia áp dụng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nhiều thời gian. Bộ Công thương sẽ tiếp thu các thông tin, ý kiến đã được đề xuất trong hội thảo để nghiên cứu về việc áp dụng EITI tại Việt Nam.