Đồng bằng sông Cửu Long: Người nghèo treo trong nắng gió (Kì 2)

ThienNhien.Net – Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa gồng mình hứng chịu khô hạn khốc liệt, vừa đối mặt với xâm nhập mặn ngày càng khắc nghiệt hơn. Các giải pháp giữ ngọt, chống mặn, nuôi trồng cây con mâu thuẫn trên cùng một diện tích.

Vùng sông nước khát nước


 

Vùng ngọt lao đao vì mặn

 

Miền Nam hai mùa mưa nắng. Mùa khô, nắng nóng, vùng ĐBSCL có 1.564.000 ha lúa đông- xuân đang sinh trưởng, làm đồng, trổ bông bị thiếu nước ngọt do nắng hạn đến sớm. 620.000 ha diện tích lúa vụ đông- xuân vừa qua của các tỉnh ven biển Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre bị khô hạn. 

 

Ở Cà Mau, 36.000 ha rừng tràm cũng từng bị đặt trong báo động nguy cơ cháy cấp 4, cấp 5. Còn nhớ giữa tháng 3, ông Trần Văn Thức, Phó GĐ Sở NN- PTNT Cà Mau nhận định nếu nắng hạn kéo dài đến cuối tháng 4 và đầu tháng 5 sẽ thiếu nước chữa cháy rừng tràm. Cũng may, nhờ làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy nên mùa khô 2010, rừng tràm U Minh Hạ xảy ra hơn 20 vụ cháy nhỏ, thiệt hại không nhiều.

 

Lưu lượng nước sông Mê-kông sụt giảm nên nước mặn ăn theo các sông đổ vào vùng ngọt. Năm nay, nước mặn xâm nhập bán đảo Cà Mau sớm gần 2 tháng so với những năm trước.

 

So với các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, hiện tượng xâm nhập mặn tại vựa trái cây, vựa lúa như Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang diễn biến phức tạp, nặng nề hơn, sâu hơn vì nhiều sông lớn dẫn vào từ biển Đông: Sông Tiền, Sông Hậu với các cửa sông Cổ Chiên, Hàm Luông, Ba Lai, sông Cửa Đại. Nước mặn thâm nhập sâu hơn 60 km.

 

Qua khảo sát hiện nay tại Bến Tre, nước mặn vẫn xâm nhập sâu vào các con sông lớn: Cổ Chiên, Hàm Luông, sông Cửa Đại, gây ảnh hưởng cho sản xuất và đời sống của nhân dân trên diện rộng. Trên sông Cổ Chiên, độ mặn 5 – 7 o/oo đã xâm nhập đến xã Thành Thới B (Mỏ Cày Nam).

 

Trên sông Hàm Luông, độ mặn tại phường 7, Tp. Bến Tre là 6 – 10o/oo, Vàm Cái Mơn (Chợ Lách) từ 3 – 5o/oo, . Trên sông Cửa Đại, tại Giao Hòa (Châu Thành), độ mặn từ 6 – 8o/oo. Và độ mặn 1,6 o/oo đã phủ khắp địa bàn tỉnh.

 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bến Tre Lê Phong Hải nhấn mạnh: Nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời, tình trạng xâm nhập mặn như hiện nay và trong tương lai sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và sinh hoạt của nhân dân.

 

Báo cáo của chính quyền các địa phương tỉnh Bến Tre cho biết có khoảng 26.900 ha cây ăn trái, 4.000 ha ca cao, 4.000 ha lúa, 250 ha hoa kiểng, 450 ha hoa màu khác bị giảm năng suất. Chăn nuôi gia súc, gia cầm đang gặp khó khăn vì nguồn nước dự trữ đã hết. Nuôi cá tra thâm canh trên sông cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

 

Để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn năm 2010, các giải pháp trước mắt của Bến Tre là tiếp tục gia cố đê bao, đắp đập tạm, nạo vét kênh mương để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, cung cấp dụng cụ chứa nước cho gia đình nghèo, diện chính sách, mở rộng tuyến ống cấp nước của những nhà máy nước hiện có để phục vụ nhân dân.

 

Xâm nhập mặn ăn sâu khiến nhiều vùng nội địa ở ĐBSCL đảo lộn sản xuất, sinh hoạt vì người dân chưa thích ứng với “hai mùa mặn- ngọt” như vùng ven biển.

 

Được biết, Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre đã kiến nghị Trung ương cấp 25,5 tỷ đồng bổ sung để nạo vét kênh mương, đê bao, các đập tạm (thời vụ), sửa chữa các cống ngăn mặn, trữ nước, 5,5 tỷ hỗ trợ dụng cụ chứa nước ngọt và 5 tỷ đồng để mở rộng tuyến ống cung cấp nhà máy nước Thới Lai (Bình  Đại).

 

Nước mặn xâm nhập sâu là thời điểm Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Bến Tre làm việc căng thẳng. Từ đầu tháng 3- 2010, nước mặn đã xâm nhập đến Tp. Bến Tre với độ mặn có khi trên 6o/oo, cao gấp hai lần so đỉnh mặn cao nhất các năm 2004, 2005.

 

Công ty đã cho hoạt động hết công suất trạm bơm nước thô tại xã Thành Triệu và bãi giếng nước ngầm Châu Thành để thay thế vị trí lấy nước cũ, cách cửa sông Hàm Luông dưới 50km trong khi xâm nhập mặn sâu vào trong đất liền tới hơn 60 km.

 

Thành phố Bến Tre hiện có trên 26.000 hộ sử dụng nước sinh hoạt từ Nhà máy nước Sơn Đông với nhu cầu khoảng 21-22.000 m3/ngày đêm. Hơn một tháng qua, tại trạm bơm nước thô xã Thành Triệu, nhân viên nhà máy theo dõi diễn biến độ mặn liên tục từng giờ để lấy và bơm nước thô có độ mặn thấp nhất về xử lý.

 

Cùng đó, Nhà máy nước ngầm Hữu Định với công suất khoảng 8.500 m3/ngày đêm cũng khai thác tối đa, xử lý nước ổn định độ mặn dưới 0,4o/oo rồi pha với nguồn nước mặt sông Hàm Luông cung cấp cho thành phố Bến Tre.

 

Thiếu nước nuôi tôm

 

Mực nước tại các kênh rạch vùng bán đảo Cà Mau sụt giảm, độ mặn tại các vuông tôm lên đến 28-30o/oo. Cơ sở hạ tầng về thủy lợi của vùng lệ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên nên người dân phải gánh nước tưới lúa, đặt máy bơm chực chờ nước lớn để bơm vô vuông tôm .

 

Tỉnh Bạc Liêu đã lắp đặt 144 máy để bơm nước pha loãng khối mặn xâm nhập vào các huyện Giá Rai, Phước Long, Hoà Bình cho người nuôi tôm. Trong khi đó, các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang thiếu nước mặn nuôi tôm buộc phải mở cống ngăn mặn giữ ngọt để lấy nước mặn nuôi tôm. Diện tích sản xuất nông nghiệp như hoa màu, cây ăn trái, ruộng lúa lại thiếu nước ngọt. Tỉnh Sóc Trăng thì phản đối việc đưa nước mặn làm xâm nhập vào vườn cây, ruộng lúa của người nông dân. Bất đồng về giải pháp mặn- ngọt diễn ra trong nội bộ nông dân và liên tỉnh khu vực bán đảo Cà Mau.

 

Lo nước cho vùng sông nước 

 

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thái Xây cho biết: “Qua đánh giá, phân tích tình hình thực tế, UBND tỉnh Bến Tre đã có văn bản đề nghị Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Liên doanh tư vấn Sogreah – ICT, Ngân hàng phát triển Việt Nam được điều chỉnh nội dung các dự án cấp nước cho tỉnh Bến Tre”. Theo đó, dự án sẽ ưu tiên  mở rộng hệ thống cấp nước Sơn Đông – Tân Phú, với tuyến ống dẫn nước thô D600 từ sông Thành Triệu lên thượng nguồn Sông Tiền, chiều dài 14km, để có thể sử dụng phục vụ cho mùa khô năm 2011.


Được biết, đích thân Bộ trưởng Bộ NN&PTNTN Cao Đức Phát đã đích thân chỉ đạo tìm kiếm giải pháp cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất vùng ĐBSCL trong mùa khô vừa qua 2010. Trong dịp này, các tỉnh đề nghị đã gửi kiến nghị đề xuất được hỗ trợ để chủ động bố trí sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân.
 


Sở NN-PTNT Hậu Giang kiến nghị Bộ hỗ trợ nông dân bơm nước thông qua tỉnh làm đầu mối, thành lập các trạm bơm theo từng tiểu vùng, từng cụm dân cư. Từ nguồn vốn kiến cố hóa kênh mương, tỉnh sẽ sử dụng 45 tỷ đồng để tận dụng nguồn nước ngọt cứu lúa, đảm bảo sản xuất trên 50.000 ha.

 

Sở NN-PTNT Bạc Liêu cũng đã đề nghị Bộ hướng dẫn, phối hợp liên tỉnh, liên vùng để vận hành các công trình đầu mối thuộc hệ thống thủy lợi Quản lộ  Phụng Hiệp để sử dụng nguồn nước ngọt. Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 ưu tiên đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình thuộc dự án phân ranh mặn ngọt trên địa bàn tỉnh Sóc trăng.

 

Ông Trương Thanh Bình, Giám đốc Sở NN- PTNT Sóc Trăng cho biết, bà con nông dân Sóc Trăng xuống giống vụ xuân- hè vừa qua khoảng 50.000 ha thì 20.000 ha bị ảnh hưởng. Ông đã đề nghị Bộ NN- PTNT hỗ trợ kinh phí nạo vét các kinh trục để giữ nước ngọt cho các trà lúa.

 

Theo chỉ đạo của Bộ, các cơ quan khoa học sẽ gấp rút rà soát lại quy hoạch thủy lợi cho vùng ĐBSCL, trong đó có tính đến tác động của biển đổi khí hậu.


Một số hình ảnh về tình trạng thiếu nước ở ĐBSCL (Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng):



Máy bơm được đặt đến từng vuông tôm để bơm nước mặn, giải khát cho tôm 

DBSCL thieu nuoc

Bơm nước cứu lúa bị khô hạn 

 DBSCL thieu nuoc

Nước ngọt được bán với giá cao ở đảo Thổ Chu (Kiên Giang)

 DBSCL thieu nuoc

Không còn lựa chọn nào khác, ở nhiều nơi, bà con phải sử dụng nước mặt cho sinh hoạt. 

 DBSCL thieu nuoc

Tận thu lúa cháy hạn

 DBSCL thieu nuoc

Người dân phá đập ngăn mặn để lấy nước nuôi tôm


DBSCL thieu nuoc


Nước ngầm vẫn giải pháp cấp nước sinh hoạt chủ yếu ở nhiều nơi thuộc ĐBSCL hiện nay.

Đồng bằng sông Cửu Long: Người nghèo treo trong nắng gió (Kì 1)