Nông thôn mới – đổi mới nông dân

ThienNhien.Net – Là một trong 11 xã của cả nước được chọn làm xã điểm để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời là xã đại diện cho các địa phương khu vực miền núi trung du phía Bắc, gần 1 năm qua, bộ mặt kinh tế – xã hội ở xã Tân Thịnh (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) đã có nhiều đổi mới, đời sống của người dân đang ngày càng được nâng cao.


Từ tháng 08/2009, ngay sau khi được chọn làm xã điểm về xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã đã nhanh chóng thành lập ban quản lý xây dựng nông thôn mới gồm có 33 người, trong đó chủ tịch xã làm trưởng ban.

Nhờ đó, sau gần một năm thực hiện, xã Tân Thịnh đã có sự thay đổi về nhiều mặt. Những con đường đất đỏ lầy lội, mịt mù bụi trước đây đã được bê tông hóa toàn bộ. Đồng thời hệ thống thủy lợi trong xã đã cứng hóa gần 50%, đã mang lại nhiều niềm vui cho bà con nơi đây.

Bên cạnh đó, người dân được tham gia các lớp tập huấn về việc áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, đã mạnh dạn đưa nhiều giống mới, cây trồng mới vào sản xuất như cây cà chua bi, dưa bao tử…theo hướng sản xuất hàng hóa.

Và cho đến nay, xã Tân Thịnh đã hoàn thành được 11 chỉ tiêu (trong tổng số 19 chỉ tiêu) về xây dựng nông thôn mới như trường học đạt chuẩn quốc gia, có mạng Internet về đến các thôn, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế…

Đời sống của người dân cũng không ngừng được nâng lên. Năm 2006, xã có tỷ lệ hộ nghèo là 26 % đến năm 2009 giảm xuống còn 5,2%, trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 6 triệu đồng/năm lên 12 triệu đồng/năm.

Chủ tịch xã Tân Thịnh chia sẻ, sự thay đổi đó là do việc thực hiện chương trình có hệ thống và bài bản.

Theo đó, trước khi xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy và chính quyền xã tổ chức các buổi họp dân đến từng thôn, công khai minh bạch kế hoạch trước nhân dân và đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và tự giác tham gia. Khi dân bàn xong, xã chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch.

Nhưng vui hơn cả là chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm cho người dân thay đổi về nhận thức, nếp sống hàng ngày, nhất là vấn đề môi trường.

Trước kia, nhiều người có thói quen vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường sống. Từ khi tham gia các lớp tập huấn xây dựng nông thôn mới, người dân đã có ý thức hơn, chủ động cùng nhau giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm. Quan trọng là lối sống của người dân ngày càng lành mạnh hơn, tình làng nghĩa xóm thân thiết hơn, các tệ nạn xã hội giảm xuống.

Thực tế cho thấy, việc xây dựng nông thôn mới không chỉ tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng mà còn phải chú trọng xây dựng con người mới, hướng người dân đến cuộc sống ngày càng lành mạnh và văn minh.