An ninh lương thực trước tác động của biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Làm cách nào để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trước những biến đổi của khí hậu là chủ đề của Hội thảo “An ninh lương thực và Biến đổi khí hậu” tổ chức tại Hà Nội ngày 31/05, với kịch bản dự báo nước biển sẽ dâng thêm 1 mét vào cuối thế kỷ 21.


Theo kịch bản này, hai vựa lúa lớn nhất Việt Nam là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long bị thu hẹp, làm giảm sút đáng kể sản lượng lương thực.

Cụ thể, nếu nước biển dâng 1 mét, đồng bằng sông Hồng mất 5.000 km2, tức 1/3 tổng diện tích. Viễn cảnh này nghiêm trọng hơn với đồng bằng sông Cửu Long, khi từ 15.000 -20.000 km2 sẽ bị nhấn chìm (khoảng một nửa diện tích).

Trong khi đó, chỉ tính đến năm 2020, với quy mô dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam đã phải tăng gấp rưỡi sản lượng lương thực hiện nay để đảm bảo an ninh lương thực.

Do đó, theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, vấn đề cấp thiết hiện nay là nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để đạt năng suất cao và có khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt trong thời gian tới.

Còn ông Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, trong tương lai, khi mức sống chung được nâng lên, đồng thời nhu cầu sử dụng gạo thông thường giảm xuống thì bên cạnh vấn đề sản lượng, Việt Nam cũng cần tính tới việc nâng cao chất lượng gạo.

Trước những thách thức này, các đại biểu đều nhấn mạnh, những công nghệ mới là yếu tố then chốt để đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ.

Trình bày cụ thể về giải pháp công nghệ, ông Andrew Speedy, Trưởng đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam cho rằng, tới năm 2050, khi dân số thế giới đạt khoảng 9 tỷ người, Việt Nam sẽ càng có vai trò quan trọng hơn trong việc cung cấp lương thực cho các quốc gia nghèo hơn ở châu Phi thông qua hợp tác Nam – Nam.

Ông Andrew khẳng định, vào thời điểm đó, Việt Nam cần và hoàn toàn có thể đạt sản lượng lương thực gấp đôi so với hiện nay bằng việc nghiên cứu áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới. Ông Andrew lấy ví dụ, với nền nông nghiệp ở Ấn Độ, vận hành theo những tính toán kỹ lưỡng, năng suất có thể tăng đến 20 lần…

Đồng tình với đại diện FAO, Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phan Huy Thông cũng đưa ra ý kiến cần có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón như sản xuất những loại phân bón ít bay hơi, khó bị rửa trôi, sử dụng các công nghệ tưới bón một cách khoa học, đi vào công nghệ nano với các phần tử phân bón rất nhỏ, thấm nhanh qua màng tế bào…

Theo ông Thông, tổn thất trong và sau thu hoạch lúa ở Việt Nam còn rất lớn, từ 13-15% vì nhiều nguyên nhân khác nhau như rơi vãi trên đồng ruộng, sâu, mọt trong quá trình bảo quản. Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có đề án để đến năm 2020, giảm tổn thất trong nông nghiệp xuống dưới 8%. Đây cũng là một biện pháp quan trọng để tăng sản lượng lương thực.