Xây đập cửa sông Mê Kông – cần thận trọng

ThienNhien.Net – Diễn ra từ ngày 23 – 26/05/2010, Hội nghị đập lớn Thế giới lần thứ 78 tổ chức tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của khá đông các chuyên gia về đập của Việt Nam cũng như thế giới. Tại đây, vấn đề xây và vận hành hồ thủy điện đã được các đại biểu tập trung thảo luận sôi nổi, trong đó có việc nghiên cứu xây đập ở cửa sông Mê Kông.


GS-TS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam (VNCOLD) cho biết, xây đập là cần thiết, không chỉ riêng cho thủy điện mà phục vụ nông nghiệp, đời sống.

Nhưng, trái với chức năng phát huy hiệu quả chống lũ, chống hạn, việc xây dựng tràn lan các nhà máy thủy điện và vận hành hồ ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên vừa qua đã cho thấy những vấn đề bất ổn trong việc lập quy hoạch, khó quản lý, gây tác động tiêu cực đến môi trường.

Chính vì thế, chúng ta thường xuyên phải đối mặt với những rủi ro khi mùa lũ về.

Muốn giảm nhẹ tác hại của thiên tai, nguyên tắc là đầu mùa lũ phải giảm mực nước hồ, để hồ có dung tích chống lũ. Khi lũ về, hồ sẽ chứa nước, không để nước tràn về hạ du. Việc này, chúng ta đã làm có kết quả với hồ Hòa Bình. Hiện, Chính phủ đang chỉ đạo vận hành liên hồ Hòa Bình – Sơn La-Tuyên Quang và một số hồ trên thượng nguồn sông Hồng.

Một giải pháp khác để khắc phục tình trạng thiếu nước, đặc biệt ở hạ lưu sông Mê Kông cũng được các đại biểu nói tới, đó là nghiên cứu xây dựng đập ở cửa sông.

Theo ông Nguyễn Hồng Toàn, Giám đốc Trung tâm Quản lý Tài nguyên nước và Môi trường lưu vực sông, ở Hàn Quốc, Hà Lan, họ xây đập thành những cánh cung rất lớn ở cửa sông, sau đó đưa nước ngọt, phù sa vào biến thành những hồ chứa, sử dụng trong mùa kiệt nước. Và hiện nay, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cũng đang bắt đầu nghiên cứu vấn đề này để áp dụng ở cửa sông Mê Kông.

Nhiều đại biểu lưu ý rằng việc xây đập cần thận trọng, phải trên quan điểm hài hòa mọi lợi ích.